Đi xe không chính chủ: phạt 8 triệu đồng
Thứ ba, 05-03-2013 , 11:09:00 AM
Với mức phạt mới được quy định trong dự thảo Nghị định mới thì người vi phạm có thể mất số tiền nhiều hơn giá trị chiếc xe
Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thành đang được bộ này gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và người dân lần thứ hai trước khi được Chính phủ ban hành.
Một lỗi mà đã gây nhiều tranh luận trước đây là hành vi đi xe không chính chủ (nói cách khác là hành vi không thực hiện các thủ tục sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện) được quy định trong dự thảo Nghị định mới với mức phạt khá nặng.
Theo quy định của dự thảo, nếu không làm các thủ tục chuyển đổi lại giấy đăng ký xe khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản là phương tiện, chủ phương tiện có thể bị phạt từ 2 - 8 triệu đồng.
Người vi phạm trật tự giao thông sẽ bị phạt nặng
Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định, phạt tiền từ 2 triệu đồng - 4 triệu đồng đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô, từ 4 triệu đồng - 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm, không làm thủ tục chuyển đổi lại giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản là phương tiện.
Mức phạt trên cũng được áp dụng với một số hành vi: Tẩy xóa hoặc sửa chữa giấy đăng ký xe, hồ sơ đăng ký xe, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc các loại giấy tờ khác về phương tiện; Không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe; biển số xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định; Không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định…
Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định mới cũng có quy định mức phạt nặng với các hành vi đua xe trái phép và cổ vũ đua xe trái phép.
Cụ thể tại điều 34 Nghị định quy định, phạt tiền từ 1 triệu đồng - 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép; Đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông.
Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với người cổ vũ, kích động đua xe trái phép mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ. Phạt tiền từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.
Phạt tiền từ 20 triệu đồng - 30 triệu đồng đối với người đua xe ô tô trái phép; Phạt tiền từ 30 triệu đồng - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Người đua xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy mà chống người thi hành công vụ; Tổ chức đua xe trái phép.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông sẽ bị tịch thu phương tiện (trừ súc vật kéo, cưỡi).
Các hành vi sửa đổi thiết kế của xe cũng bị phạt nặng
Dự thảo nghị định này cũng quy định về chế tài xử phạt đối với một loạt các hành vi liên quan đến việc thay đổi thiết kế, kiểu dáng... các loại phương tiện giao thông.
Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định, phạt từ 6 - 10 triệu đồng đối với cá nhân (từ 12 - 20 triệu đồng đối với tổ chức) là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy, hệ thống phanh, hệ thống truyền động, hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe; cải tạo các loại xe ôtô khác thành xe ô tô chở khách.
Sau khi kết thúc thời hạn lấy ý kiến về nội dung của dự thảo, văn bản này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ký và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới và sẽ thay thế cho các Nghị định Số 34/2010/NĐ-CP34 và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Luật Á Đông lấy nguồn từ Văn phòng Quốc hội.
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê