Ngân hàng chiếm đoạt tiền vật chứng, xử lý sao?
Thứ bảy,, 30-05-2015 , 02:51:00 AM
Ngân hàng Phát triển Việt Nam tự ý chiếm đoạt 524 tỉ đồng tiền vật chứng, đến khi có bản án buộc ngân hàng giao tiền thì trì hoãn không thi hành án. Theo nhiều chuyên gia, các hành vi này đã vi phạm pháp luật…
- Quy định về xử lý vật chứng là tài sản trong vụ án hình sự
- Trong vụ án hình sự, vật chứng được xử lý thế nào khi không xác định được chủ sở hữu?
- Nội dung ghi âm lén có là chứng cứ trước tòa?
- Chứng cứ yếu, tòa phải tuyên vô tội
- Bị cáo, luật sư được thu thập chứng cứ?
- Tòa tối cao hủy án vì thiếu chứng cứ
Mới đây, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Đắk Nông đã bác đơn khiếu nại của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), giữ nguyên quyết định cưỡng chế buộc VDB phải chuyển 524 tỉ đồng cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB). Theo cơ quan này, VDB có điều kiện THA nhưng không tự nguyện thi hành và mục đích khiếu nại là nhằm kéo dài thời gian THA làm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả giải quyết án.
VDB phải chuyển cho OCB 524 tỉ đồng
Trước đây, năm 2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố nguyên giám đốc VDB Chi nhánh khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông (VDB Đắk Lắk - Đắk Nông) Vũ Việt Hùng và nhiều người khác về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Qua điều tra, cơ quan điều tra (CQĐT) thu hồi được 524 tỉ đồng do các bị can phạm tội mà có và xác định là vật chứng của vụ án. CQĐT đã mở tài khoản tạm giữ số 60564180000009 tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông để gửi hơn 511 tỉ đồng, đồng thời phong tỏa hơn 12,5 tỉ đồng tiền vật chứng trong tài khoản số 605K000370 của Công ty TNHH TM&DV Nhật Tân tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông để đảm bảo việc giải quyết án.
Tháng 3-2014, TAND tỉnh Đắk Nông đã xử sơ thẩm, phạt các bị cáo từ ba năm tù đến án tử hình, đồng thời tuyên giao trả 524 tỉ đồng tiền vật chứng nói trên cho OCB (nguyên đơn dân sự trong vụ án).
Nguyên giám đốc VDB Đắk Lắk - Đắk Nông Vũ Việt Hùng (áo trắng, giữa) và các bị cáo khác tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 3-2014. Ảnh: NLĐ
Bản án này sau đó bị kháng cáo. Tháng 9-2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng đã bác các kháng cáo, y án sơ thẩm. Tòa tiếp tục tuyên trả lại tiền vật chứng cho OCB, trong đó có hơn 12,5 tỉ đồng trong tài khoản số 605K000370 mà CQĐT đã phong tỏa tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông. Tòa cũng tuyên VDB có trách nhiệm chuyển cho OCB hơn 511 tỉ đồng tiền vật chứng trong tài khoản tạm giữ số 60564180000009 mà CQĐT mở tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông…
Tháng 12-2014, Cục THADS tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định THA chủ động, buộc VDB phải chuyển cho OCB 524 tỉ đồng theo bản án phúc thẩm.
Chiếm đoạt tiền vật chứng, không THA
Ngày 16-12-2014, chấp hành viên đã có văn bản gửi VDB yêu cầu chuyển 524 tỉ đồng cho OCB. Hôm sau làm việc với chấp hành viên, giám đốc VDB Đắk Lắk - Đắk Nông cho biết số tiền vật chứng trên đã không còn trong các tài khoản phong tỏa và sẽ báo cáo với lãnh đạo VDB xin ý kiến chỉ đạo.
Ngày 12-1-2015, VDB có văn bản gửi Cục THADS tỉnh Đắk Nông xin hoãn THA với lý do “đang gửi đơn đề nghị chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị một phần bản án” theo trình tự giám đốc thẩm và “đang đề nghị giải thích những điểm chưa rõ trong bản án”. Tuy nhiên, cục trưởng Cục THADS tỉnh Đắk Nông đã bác đơn xin hoãn THA của VDB vì không có căn cứ pháp luật.
Ngày 24-3, làm việc với chấp hành viên, đại diện VDB nói VDB không có điều kiện THA và đã báo cáo Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Tài chính, thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Khi nào cơ quan quản lý cho phép và chuyển tiền thì VDB mới THA. Đặc biệt, Tổng Giám đốc VDB Trần Bá Huấn còn cho biết số tiền vật chứng trên đã được chuyển về VDB để “phục vụ cho các hoạt động chung của toàn ngành”.
Qua xác minh, chấp hành viên xác định VDB có điều kiện THA nhưng không tự nguyện thi hành nên ngày 22-4 đã ra quyết định cưỡng chế đối với VDB. VDB khiếu nại. Ngày 15-5 vừa qua, cục trưởng Cục THADS tỉnh Đắk Nông đã bác đơn khiếu nại của VDB như đã nói ở trên.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thẩm phán Lê Hưng Dũng (Chánh án TAND TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) nhận xét: Điểm 6 Điều 1 Nghị định 70/2013 của Chính phủ (bổ sung một số điều của quy chế quản lý kho vật chứng, ban hành kèm Nghị định 18/2002 của Chính phủ) quy định “tuyệt đối không được lưu thông đối với vật chứng là tiền”. Do vậy, số tiền 524 tỉ đồng tiền vật chứng trong vụ án chỉ được đưa vào lưu thông, tiêu dùng… khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Việc các cán bộ có liên quan tại VDB tự ý chiếm đoạt tiền vật chứng để “phục vụ cho các hoạt động chung của toàn ngành” là vi phạm nghị định này.
Mặt khác, theo Thẩm phán Dũng, việc chiếm đoạt tiền vật chứng của các cán bộ có liên quan tại VDB có dấu hiệu phạm tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản (Điều 310 BLHS). Theo điều luật này, người nào được giao giữ tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong mà có một trong các hành vi sau thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: Phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng...
Đồng tình, một kiểm sát viên Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao bổ sung: Nếu sau khi đã bị cơ quan THADS áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết mà VDB vẫn cố tình không chịu THA thì các cán bộ VDB có liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án (Điều 304 BLHS). Đương nhiên để xử lý hình sự thì cơ quan tố tụng sẽ phải chứng minh vi phạm cũng như cá thể hóa trách nhiệm của từng cán bộ VDB có liên quan.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc này có diễn biến mới.
Lãnh đạo VDB nói gì? Để làm rõ tại sao VDB lại chiếm đoạt tiền vật chứng cũng như không chịu THA cho OCB, PV Pháp Luật TP.HCM đã cố gắng liên hệ với ông Nguyễn Quang Dũng (quyền Chủ tịch HĐQT VDB) và ông Trần Bá Huấn (Tổng Giám đốc VDB) để hẹn làm việc nhưng chưa được. Ông Nguyễn Quang Dũng nhắn tin cho biết: “Tôi sẽ trao đổi, thông tin với đồng chí tổng giám đốc để bố trí làm việc”. Tuy nhiên, chiều 27-5, khi PV tiếp tục đến trụ sở VDB tại TP Hà Nội để liên hệ làm việc thì nhân viên VDB cho biết quyền chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc đều đi vắng, hẹn PV khi khác đến. PV đề nghị có lịch hẹn gặp cụ thể thì nhân viên VDB nói không nắm rõ lịch làm việc của lãnh đạo nên không thể bố trí. ĐẶNG TRUNG Ông NGUYỄN VĂN ÚY, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông: VDB phải nghiêm túc chấp hành án
Vụ án trên là một trong các đại án tham nhũng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo theo dõi. Việc giải quyết dứt điểm đối với các vụ án này không chỉ đến khi xét xử xong mà còn phải tiếp tục chỉ đạo, theo dõi hoạt động THA để thu hồi tài sản cho Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên bị xâm hại.
Bản án đã có hiệu lực pháp luật nên các bên liên quan, trong đó có VDB phải chấp hành nghiêm túc. Các lý do để kéo dài việc THA mà VDB đưa ra không phù hợp với quy định của pháp luật. Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông sẽ tiếp tục theo dõi và tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm bản án, đồng thời cũng sẽ báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ông PHẠM ĐÌNH ĐẠO, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Đắk Nông: Có thể chuyển hồ sơ cho CQĐT
Chúng tôi xác định hành vi xâm phạm 524 tỉ đồng tiền vật chứng trong tài khoản mà CQĐT đã phong tỏa của VDB là vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Sau khi chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế, VDB lại tìm cách trì hoãn việc chuyển tiền cho OCB bằng cách khiếu nại quyết định cưỡng chế.
Hiện cục trưởng Cục THADS tỉnh Đắk Nông đã bác toàn bộ nội dung đơn khiếu nại của VDB nên sắp tới chấp hành viên sẽ tiếp tục làm việc với VDB. Nếu VDB tiếp tục không thực hiện việc chuyển tiền cho OCB thì căn cứ theo quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ ra quyết định xử phạt hành chính hoặc chuyển hồ sơ sang CQĐT yêu cầu xem xét hành vi không chấp hành án theo Điều 304 BLHS. TS PHAN ANH TUẤN, Trường ĐH Luật TP.HCM: Không chấp hành án, sẽ bị tội
Theo Điều 304 BLHS, người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Rõ ràng VDB phải thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật là chuyển giao 524 tỉ đồng cho OCB nhưng lại viện dẫn lý do để kéo dài việc THA như xác định của cơ quan THADS. Hiện nay, cơ quan THA đã bác khiếu nại của VDB về quyết định cưỡng chế. Do đó nếu VDB tiếp tục cố ý không chịu chuyển tiền cho OCB thì các cán bộ có trách nhiệm liên quan của VDB có thể sẽ bị xem xét về hành vi không chấp hành án theo Điều 304 BLHS. |
Theo HỒNG TÚ (Nguồn: Báo Pháp luật TP Hồ CHí Minh)
_____________________
Hãy tăng thu nhập của bạn cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông .....
______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, consular legalization in Vietnam, và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.66814111"
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê