Mối tình đơn phương của Võ Tắc Thiên (phần 2)
Thứ tư, 27-03-2013 , 10:20:00 PM
Chuyện kể rằng, một lần,Tả uy vệ Đại tướng quân Quyền Thiện Tài và Hữu lâm môn Trung lang tướng Phạm Hoài Nghĩa không biết đã chặt nhầm một cây bách cây ở Chiêu Lăng (Lăng mộ của Đường Thái Tông), Đường Cao Tông biết chuyện đã vô cùng giận dữ, hạ lệnh lập tức mang hai vị tướng quân ra xử chém.
Địch Nhân Kiệt thấy vậy bước lên nói: “Pháp luật quốc gia đã có ghi chép rất rõ.
Căn cứ theo pháp luật thì tội của hai vị tướng quân không tới mức phải khép vào tội chết”. Đường Cao Tông đang cơn giận muốn giết người cho hả, nay lại gặp “kỳ đà cản mũi” càng giận hơn, quát: “Chúng hại ta thành kẻ bất hiếu, không chết không được!”
Địch Nhân Kiệt không những không sợ hãi, còn gan lì nói: “Không đáng tội chết mà vẫn khép vào tội chết, lại chỉ vì một cây bách mà giết đi hai vị tướng quân.
Người đời sau sẽ bình luận về bệ hạ là một ông vua ra sao đây? Thần không thể để bệ hạ trở thành một ông vua vô đạo được!”
Đường Cao Tông nghe Địch Nhân Kiệt nói có lý, chợt như tỉnh ngộ, ra lệnh miễn tội chết cho hai vị tướng quân nọ và chỉ trách phạt.
Câu chuyện không màng nguy hiểm của bản thân để can gián Hoàng đế đã khiến danh tiếng của Địch Nhân Kiệt lan khắp kinh thành.
Sau này, Địch Nhân Kiệt được thăng chức lên làm Độ chi Lang trung (tương đương chức Vụ trưởng trong Bộ Tài chính hiện nay).
Sau đó, Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên ra ngoài vui chơi, phái Địch Nhân Kiệt làm Tri Đột Sứ, chịu trách nhiệm toàn bộ công việc tổ chức chuyến du ngoạn đó.
Lần đó, tuyến đường du ngoạn của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên phải đi qua Đố nữ từ (miếu thờ người đàn bà hay đố kỵ).
Theo lời kể của những người dân nơi đây thì những người nào đi qua Đố nữ từ mà mặc quần áo lòe loẹt, diêm dúa thì nhất định sau này sẽ gặp chuyện không may.
Chính vì thế, quan Trưởng sử Bính Châu là Lý Trọng Huyền đã hạ lệnh cho mấy chục ngàn dân phu gấp rút xây dựng hẳn một con đường mới vòng qua Đố nữ từ để Hoàng đế và Hoàng hậu đi mà không cần phải qua ngôi miếu tai quái và xúi quẩy này. Tuy nhiên, Địch Nhân Kiệt lại không nghĩ như vậy.
Địch Nhân Kiệt nói với Lý Trọng Huyền rằng: “Thiên tử tuần du, thần gió sẽ tới quét sạch bụi, thần mưa sẽ tới rửa sạch đường cho thiên tử, hà cớ gì phải tránh một mụ đàn bà hay đố kỵ?”
Địch Nhân Kiệt ra lệnh không làm đường mới mà vẫn để Hoàng đế và Hoàng hậu đi qua đường cũ. Nhờ thế, hàng vạn nông dân được miễn lao dịch nặng nề.
Đường Cao Tông nghe chuyện, rất khen Địch Nhân Kiệt, nói: “Địch Nhân Kiệt thực sự là một đại trượng phu”.
Một câu nói của Địch Nhân Kiệt vừa tán dương Hoàng đế lại miễn được lao dịch cho dân, có thể nói là “vẹn cả đôi đường”. Chính vì vậy, người đường thời đều nói rằng, Địch Nhân Kiệt là kẻ rất biết cách làm quan.
Khi Võ Tắc Thiên xưng đế, lập ra nhà Chu đã phong cho Địch Nhân Kiệt làm Địa cung (tức Bộ Hộ) Thị lang, sau thăng chức làm Bình chương sự của Loan đài (Môn hạ tỉnh) thuộc Đồng Phong các (Trung thư tỉnh) cũng tức là quan Tể tướng đương chiều.
Một lần, Võ Tắc Thiên cố ý muốn thử Địch Nhân Kiệt nên nói: “Thành tích của ngươi không tệ, tuy nhiên có người nói xấu ngươi trước mặt ta, ngươi có muốn biết người đó là ai không?”
Địch Nhân Kiệt nói: “Nếu như bệ hạ cho rằng thần sai ở chỗ nào thì thần đương nhiên sẽ thay đổi. Còn nếu như bệ hạ biết rõ thần không phạm sai sót gì thì đó chính là may mắn của thần. Vì thế, ai nói xấu gì thần, thần cũng không muốn biết và cũng chẳng cần phải biết”. Qua cuộc nói chuyện lần đó, đến ngay cả Võ Tắc Thiên cũng cho rằng Địch Nhân Kiệt là một ông quan trung thành mà thẳng thắn.
CÁC TIN LIÊN QUAN