Mới đây, VKSND tỉnh Đắk Nông đã kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND tỉnh này, đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm Huỳnh Thị Thu về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS vì cho rằng bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “có tính chất côn đồ”. Trước đó, TAND tỉnh Đắk Nông chỉ phạt Thu tám năm tù về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS.
Người bị tâm thần nhẹ gây án
Theo hồ sơ, tháng 2-2015, Thu cùng các anh Nguyễn Ngọc Qua, Nguyễn Chí Phương đến một quán lẩu bò ở huyện Krông Nô uống rượu. Trong lúc ngà ngà, Thu và anh Qua xảy ra mâu thuẫn, lớn tiếng qua lại. Được người xung quanh can ngăn, cả hai dàn hòa, ngồi nhậu tiếp. Sau đó Thu rủ hai bạn nhậu về nhà mình để tiếp tục uống rượu.
Về đến nhà Thu, anh Phương nằm luôn ra hiên nhà. Anh Qua thì đi qua đi lại, lớn tiếng và ném mũ bảo hiểm về phía Thu. Thu đưa tay đỡ làm cái mũ rớt xuống sân. Bực tức, Thu chạy vào nhà lấy dao ra đâm làm anh Qua tử vong do sốc mất máu cấp.
Bản kết luận giám định pháp y tâm thần cho thấy trước, trong, sau khi gây án và hiện nay, Thu bị bệnh chậm phát triển tâm thần nhẹ, có tật chứng về hành vi đáng kể. Về pháp luật, Thu có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh.
Bị cáo Huỳnh Thị Thu (ảnh trên) tại phiên xử sơ thẩm lần đầu hồi tháng 8-2015 của TAND tỉnh Đắk Nông (dưới). Ảnh: ANTV
Tranh cãi “có tính chất côn đồ” hay không
Dù vậy, Thu vẫn bị khởi tố, truy tố về tội giết người với tình tiết định khung là “có tính chất côn đồ” theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS. Tháng 8-2015, TAND tỉnh Đắk Nông xử sơ thẩm lần đầu đã phạt Thu 20 năm tù theo điều khoản này, buộc Thu bồi thường cho gia đình bị hại gần 170 triệu đồng và cấp dưỡng cho hai con của bị hại mỗi tháng hơn 1 triệu đồng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Sau đó Thu kháng cáo xin xem xét lại tội danh, mức án.
Tháng 11-2015, xử phúc thẩm lần đầu, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Mặt khác, tại tòa Thu khai bị hại đánh Thu trước nhưng tài liệu hồ sơ chưa rõ nên để áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” hay không thì cần phải điều tra lại.
Tháng 3-2016, xử sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Đắk Nông nhận định Thu bị chậm phát triển tâm thần nhẹ, có tật chứng về hành vi đáng kể nên không hoàn toàn làm chủ được nhận thức và hành vi, dễ bị kích động về tinh thần. Trong trường hợp này, hành vi cầm mũ bảo hiểm huơ đánh và ném, chửi nhiều câu tục tĩu xúc phạm bị cáo của bị hại không còn là nguyên cớ nhỏ nhặt mà đã trở thành nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. VKS truy tố bị cáo về tình tiết định khung phạm tội “có tính chất côn đồ” là không có căn cứ. Từ đó, tòa áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS phạt Thu tám năm tù về tội giết người…
VKSND tỉnh Đắk Nông đã kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS và tăng hình phạt đối với bị cáo. Theo VKS, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo khai nhận thức được việc dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào vùng trọng yếu trên người bị hại là rất nguy hiểm, sẽ dễ dẫn tới làm bị hại tử vong. Do bị cáo đã uống nhiều rượu, không còn tỉnh táo nữa nên sinh ra tức giận và thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy trước khi phạm tội, trong cuộc sống hằng ngày bị cáo hoàn toàn tỉnh táo và ý thức rõ về hành vi của mình.
Cần sớm có hướng dẫn
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Tuấn Lộc (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét ở vụ án trên, không thể quy buộc Thu phạm tội “có tính chất côn đồ” bởi việc bị cáo phạm tội có một phần lỗi của bị hại. “Một người bị khiếm khuyết về tâm thần không thể có suy nghĩ như người bình thường được. Họ tuy nhận thức, điều khiển được hành vi nhưng vẫn trong giới hạn nhất định, dễ bị kích động hơn người khác. Vì vậy, nhận định của tòa sơ thẩm lần hai là hoàn toàn hợp lý” - luật sư Lộc nói.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Điều 13 BLHS hiện hành chỉ quy định người thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà mất hẳn khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều luật này hoàn toàn không quy định về tình trạng hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự. Điều 21 BLHS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7 tới) cũng không có gì thay đổi.
Cạnh đó, cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn nào về tình huống này nên việc kết luận người bị tâm thần nhẹ gây án “có tính chất côn đồ” hay không tùy vào đánh giá của cơ quan tố tụng. “Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất thì các cơ quan tố tụng trung ương cần sớm có hướng dẫn” - luật sư Hồng đề xuất.
Một vụ tương tự Chiều 17-8-2014, ông Ngô Văn Nở đến nhà đối diện nhà Nguyễn Hồng Hạnh (quận 7, TP.HCM) trả máy xay sinh tố. Khi ông ra về, Hạnh bất ngờ từ trong nhà đi ra, dùng xà beng đánh một cái làm ông bị thương tật 50%. Theo kết luận giám định, Hạnh bị bệnh rối loạn cảm xúc không ổn định (suy nhược) thực tổn/biến đổi nhân cách lâu dài khác. Về pháp luật, tại thời điểm gây án và hiện tại, Hạnh có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh. Hạnh bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS với hai tình tiết định khung là “dùng hung khí nguy hiểm” và “có tính chất côn đồ. Tại phiên xử sơ thẩm, luật sư của Hạnh đề nghị tòa không áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” với Hạnh vì việc bị cáo gây án có thể xuất phát từ nguyên nhân không được bình thường về mặt tâm thần. Tuy nhiên, TAND quận 7 cho rằng Hạnh từng có hai tiền sự về hành vi xâm hại sức khỏe người khác, nay lại dùng hung khí nguy hiểm đánh vào đầu bị hại là “có tính chất côn đồ”. Cuối cùng, tòa phạt Hạnh năm năm tù. Sau đó Hạnh kháng cáo xin giảm án nhưng bị TAND TP.HCM bác. Nhận xét về vụ án, các chuyên gia cũng có hai luồng quan điểm: Một nói không thể áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” với người thần kinh không ổn định như Hạnh, một lại bảo tình trạng tâm thần của Hạnh chỉ là tình tiết giảm nhẹ. “Nó bị khùng từ nhỏ” Tôi từ Quảng Nam vào Đắk Nông để đi kinh tế mới. Nó bị khùng từ nhỏ, không có điều kiện chữa bệnh, tám tuổi mới biết nói. Nó là con riêng của tôi, hoàn cảnh khó khăn nên tôi mượn căn nhà của người dì cho nó ở. Tôi phải làm lụng nuôi mấy đứa em nó, không có điều kiện chú ý nhiều nên nó toàn bị người ta lợi dụng. Nó gần 40 tuổi mà hằng ngày tôi vẫn phải mang cơm cho nó ăn. Xin tòa xử nhẹ cho nó, tôi sẽ bán rẫy để đền cho người ta. Con dại cái mang mà! Bà NGUYỄN THỊ PHƯỢNG, mẹ bị cáo Thu |