Nội dung phán quyết của tòa trọng tài về tranh chấp biển Đông (Phần 4)
Thứ tư, 13-07-2016 , 02:35:00 AM
(Phần 3)
4. Phán quyết của Tòa liên quan đến Nội dung khởi kiện thực chất của Phi-líp-pin
a. ‘Đường chín đoạn’ và Yêu sách Quyền lịch sử của Trung Quốc trên các vùng biển thuộc Biển Đông
Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã xem xét đến giá trị của ‘đường chín đoạn’ của Trung Quốc và liệu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với các tài nguyên ở Biển Đông bên ngoài giới hạn của các vùng biển mà nước này được hưởng theo Công ước hay không.
Tòa đã xem xét lịch sử của Công ước và những điều khoản của nó liên quan đến các vùng biển và kết luận rằng mục đích của Công ước là phân bổ một cách toàn diện các quyền của các Quốc gia đối với các vùng biển. Tòa nhận thấy rằng câu hỏi về những quyền tồn tại từ trước đối với tài nguyên (đặc biệt là đối với tài nguyên cá) đã được xem xét cẩn thận trong các cuộc đàm phán về sự hình thành vùng đặc quyền kinh tế và rằng một số Quốc gia đã có mong muốn bảo tồn các quyền đánh cá lịch sử ở vùng biên mới này. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị bác bỏ và văn bản cuối cùng của Công ước chỉ cho các Quốc gia khác một quyền hạn chế trong việc tiếp cận về đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế (trong trường hợp Quốc gia ven biển không thể khai thác hết lượng cá cho phép) mà không cho các quốc gia khác quyền gì đối với dầu khí hay tài nguyên khoáng sản. Tòa nhận thấy rằng yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên là không phù hợp với sự phân bổ chi tiết về quyền và vùng biển của Công ước và kết luận rằng, nếu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển ở Biển Đông, những quyền đó đã bị xóa bỏ bởi việc Công ước có hiệu lực ở chừng mực mà chúng không phù hợp với hệ thống các vùng biển của Công ước.
Tòa cũng xem xét hồ sơ lịch sử để xác định liệu Trung Quốc có thật là có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở Biển Đông trước khi Công ước có hiệu lực hay không. Tòa lưu ý rằng có chứng cứ cho thấy người đi biển và ngư dân của Trung Quốc, cũng như của các nước khác, trong lịch sử đã sử dụng các đảo ở Biển Đông, mặc dù Tòa nhấn mạnh rằng Tòa không có thẩm quyền để xác định chủ quyền đối với những đảo đó. Tuy nhiên, Tòa quyết định là trước khi có Công ước, các vùng biển ở Biển Đông bên ngoài vùng lãnh hải về pháp lý đều là một phần của vùng biển quốc tế, tại đó tàu thuyền của bất kỳ Quốc gia nào đều có thể qua lại và đánh cá một cách tự do. Vì vậy, Tòa đã kết luận rằng việc Trung Quốc qua lại và đánh cá trong lịch sử ở vùng biển của Biển Đông đã thể hiện các quyền tự do trên biển cả, thay vì một quyền lịch sử, và rằng không có chứng cứ nào cho thấy rằng trong lịch sử Trung Quốc đã một mình thực hiện việc kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông hay ngăn cản các quốc gia khác khai thác những tài nguyên của mình.
Do đó, Tòa kết luận rằng, giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong ‘đường chín đoạn’.
b. Quy chế của các cấu trúc tại Biển Đông
Trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài đã xem xét quy chế của các cấu trúc tại Biển Đông và các quyền đối với vùng biển mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước.
Trước hết, Tòa Trọng tài thực hiện đánh giá kỹ thuật về việc liệu một số bãi san hô mà Trung Quốc đòi hỏi có nổi trên mặt nước khi thủy triều lên hay không. Theo Điều 13 và 121 của Công ước, các cấu trúc nổi trên mặt nước vào lúc thủy triều lên cao sẽ ít nhất được hưởng lãnh hải 12 hải lý, trong khi những cấu trúc bị chìm khi thủy triều lên sẽ không có quyền có các vùng biển. Tòa Trọng tài ghi nhận rằng nhiều rặng san hô tại Biển Đông đã bị thay đổi nặng nề do việc cải tạo và xây dựng đảo gần đây và nhắc lại rằng Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của nó. Tòa Trọng tài đã chỉ định một chuyên gia thủy văn học để hỗ trợ Tòa trong việc đánh giá các bằng chứng kỹ thuật của Phi-líp-pin và dựa chủ yếu vào các tài liệu lưu trữ và các đánh giá thủy văn trước đây để đánh giá các cấu trúc này. Tòa Trọng tài nhất trí với Phi-líp-pin rằng bãi Scarborough, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập là các cấu trúc nổi và Xu Bi, Huy-gơ, Vành Khăn và Cỏ Mây là cấu trúc chìm trong điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài không nhất trí với Phi-líp-pin về quy chế của Ga Ven (phía Bắc) và Ken Nan và kết luận rằng cả hai đều là cấu trúc nổi.
Tòa Trọng tài tiếp theo đã xem xét liệu có cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra các vùng biển ngoài 12 hải lý hay không. Theo Điều 121 của Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và có thềm lục địa, nhưng “các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Tòa Trọng tài thấy rằng quy định này liên hệ chặt chẽ với việc mở rộng quyền tài phán của Quốc gia ven biển với việc hình thành vùng đặc quyền kinh tế và nhằm để ngăn ngừa việc các cấu trúc không lớn có thể tạo ra các vùng biển lớn, mà điều này xâm phạm vào vùng biển của các lãnh thổ có người ở hoặc vùng biển quốc tế và vùng đáy biển vốn là di sản chung của nhân loại. Tòa Trọng tài giải thích Điều 121 và kết luận rằng các quyền có vùng biển của một cấu trúc phụ thuộc vào (a) năng lực khách quan của cấu trúc; (b) trong điều kiện tự nhiên, nó có thể duy trì hoặc (c) một cộng đồng dân cư ổn định hoặc (d) hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào tài nguyên bên ngoài và cũng không thuần túy mang tính chất khai thác.
Tòa Trọng tài thấy rằng nhiều cấu trúc tại Trường Sa hiện đang được một hoặc nhiều quốc gia ven biển kiểm soát và họ đã xây dựng các cấu trúc và duy trì nhân lực tại chỗ. Tòa Trọng tài thấy rằng sự hiện diện thời nay phụ thuộc vào các nguồn lực và hỗ trợ bên ngoài và thấy rằng nhiều cấu trúc đã bị biến đổi để nâng cao khả năng sinh sống của con người, kể cả thông qua cải tạo đảo và xây dựng các cơ sở hạ tầng như các nhà máy xử lý nước mặn. Tòa Trọng tài kết luận rằng việc hiện diện của các nhân viên công quyền trên nhiều cấu trúc không chứng minh được khả năng của các cấu trúc này, trong điều kiện tự nhiên, để duy trì cộng đồng cư dân ổn định và cho rằng các bằng chứng lịch sử về việc định cư hoặc đời sống kinh tế có ý nghĩa hơn đối với năng lực khách quan của các cấu trúc. Qua đánh giá hồ sơ lịch sử, Tòa Trọng tài thấy rằng các đảo Trường Sa trong lịch sử từng được các nhóm nhỏ ngư dân từ Trung Quốc và các nước khác sử dụng, và một số công ty khai thác phân chim và đánh cá của Nhật đã có hoạt động tại đây vào những năm 1920 và 1930. Tòa Trọng tài kết luận rằng việc sử dụng tạm thời các cấu trúc của ngư dân không dẫn đến việc cư ngụ của một cộng đồng ổn định và tất cả các hoạt động kinh tế trong lịch sử đều chỉ có tính chất khai thác. Theo đó, Tòa Trọng tài kết luận rằng tất các cấu trúc nổi tại Trường Sa (bao gồm, ví dụ, Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông, Song Tử Tây) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.
Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất.
c. Các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông
Trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài đã xem xét tính hợp pháp theo Công ước đối với nhiều hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Sau khi kết luận Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong là cấu trúc chìm, tạo thành một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi-líp-pin và không chồng lấn với bất kỳ vùng biển nào Trung Quốc có thể có, Tòa Trọng tài kết luận rằng Công ước đã rõ ràng trong việc trao quyền chủ quyền cho Phi-líp-pin đối với các khu vực biển trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Tòa Trọng tài xác định, trên thực tế, Trung Quốc đã (a) can thiệp vào việc thăm dò dầu khí của Phi-líp-pin tại Bãi Cỏ Rong; (b) chủ ý cấm các tàu Phi-líp-pin đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin và (c) bảo vệ cho và không ngăn ngừa các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin tại Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây, và (d) xây dựng các công trình và đảo nhân tạo tại Vành Khăn mà không được sự đồng ý của Phi-líp-pin. Do vậy Tòa Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Phi-líp-pin đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này.
Tiếp theo Tòa Trọng tài xem xét quyền đánh cá truyền thống tại bãi Scarborough và kết luận rằng ngư dân từ Phi-líp-pin, cũng như Trung Quốc và các nước khác, đã đánh cá tại bãi Scarborough từ lâu và có quyền đánh cá truyền thống tại khu vực này. Do bãi cạn Scarborough nổi trên mặt nước lúc thủy triều lên, cấu trúc này có quyền có lãnh hải, vùng nước xung quanh cấu trúc này không tạo thành vùng đặc quyền kinh tế và quyền đánh cá truyền thống không bị mất đi do Công ước. Dù Tòa Trọng tài nhấn mạnh rằng Tòa không quyết định về vấn đề chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, Tòa xác định rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Phi-líp-pin khi ngăn chặn tiếp cận bãi cạn Scarborough sau tháng 5 năm 2012. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài thấy rằng Tòa cũng sẽ có kết luận tương tự đối với quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc nếu Phi-líp-pin có hành động ngăn cản việc đánh cá của công dân Trung Quốc tại bãi Scarborough.
Tòa Trọng tài cũng xem xét tác động của các hành vi của Trung Quốc đối với môi trường biển. Để làm việc này, Tòa Trọng tài đã có sự trợ giúp của 3 chuyên gia độc lập về sinh học của rặng san hô được chỉ định để đánh giá các chứng cứ khoa học có được và các báo cáo của chuyên gia của Phi-líp-pin. Tòa Trọng tài xác định rằng việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại bảy cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô và Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của Công ước trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sinh sống của các loài động vật bị đe dọa, sắp cạn kiệt. Đồng thời Tòa Trọng tài cũng xác định rằng ngư dân Trung Quốc đã thực hiện việc khai thác động vật bị đe dọa như rùa biển, san hô và trai khổng lồ ở quy mô lớn tại Biển Đông, sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hộ. Tòa Trọng tài xác định rằng chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được các hành vi này và không thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng theo Công ước để ngăn chặn.
Cuối cùng, Tòa Trọng Tài đã xem xét tính hợp pháp của các hành vi của tàu chấp pháp Trung Quốc tại bãi Scarborough trong hai tình huống vào tháng 4 và 5 năm 2012 khi các tàu Trung Quốc đã tìm cách cản trở tàu Phi-líp-pin tiếp cận hoặc tiến vào bãi Scarborough. Để làm việc này, Tòa Trọng tài đã được một chuyên gia độc lập về an toàn hàng hải được chỉ định để hỗ trợ trong việc xem xét các báo cáo bằng văn bản do các sĩ quan tàu Phi-líp-pin cung cấp và các chứng cứ chuyên gia về an toàn hàng hải do Phi-líp-pin cung cấp. Tòa Trọng tài xác định rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã liên tiếp tiếp cận tàu Phi-líp-pin với tốc độ cao và cố gắng cắt đầu các tàu này ở khoảng cách gần, tạo ra nguy cơ đâm va cao và nguy hiểm cho tàu và người của Phi-líp-pin. Tòa Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo Công ước về Quy định Quốc tế để Ngăn ngừa Va chạm trên Biển 1972 và Điều 94 của Công ước liên quan đến an toàn hàng hải.
d. Làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa các Bên
Trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài đã xem xét liệu các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn gần đây và xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại 7 cấu trúc tại Trường Sa từ khi bắt đầu thủ tục trọng tài có làm gia tăng tranh chấp giữa các Bên. Tòa Trọng tài nhắc lại rằng các bên tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp có nghĩa vụ kiềm chế việc làm trầm trọng thêm hoặc mở rộng một tranh chấp hoặc các tranh chấp về các vấn đề đang được thụ lý. Tòa Trọng tài thấy rằng Trung Quốc đã (a) xây dựng một đảo nhân tạo lớn tại Vành Khăn, một cấu trúc lúc chìm lúc nổi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin; (b) gây ra hủy hoại lâu dài, không thể phục hồi đối với hệ sinh thái rặng san hộ và (c) phá hủy lâu dài các chứng cứ về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc này. Tòa Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ về kiềm chế làm trầm trọng thêm và kéo dài tranh chấp giữa các Bên trong khi chờ quá trình xét xử.
e. Hành vi tương lai của các Bên
Cuối cùng, Tòa Trọng tài xem xét đề nghị của Phi-líp-pin về việc đưa ra tuyên bố rằng, từ nay về sau, Trung Quốc cần tuân thủ các quyền và quyền tự do của Phi-líp-pin và tuân thủ các nghĩa vụ của nước này theo Công ước. Về vấn đề này, Tòa Trọng tài thấy rằng cả Phi-líp-pin và Trung Quốc đều đã nhiều lần thừa nhận Công ước và các nghĩa vụ chung về thiện chí trong xác định và điều chỉnh các hành vi của mình. Tòa Trọng tài xét rằng cốt lõi của tranh chấp trong vụ kiện này không nằm ở ý định của Trung Quốc hay Phi-líp-pin trong việc xâm phạm quyền lợi pháp lý của bên kia, mà chính là do có sự hiểu khác nhau cơ bản về các quyền của nước mình theo Công ước đối với các vùng nước thuộc Biển Đông. Tòa Trọng tài nhắc lại rằng trong luật pháp quốc tế có nguyên tắc cơ bản là “không thiện chí” không thể tự suy diễn và thấy rằng Điều 11 của Phụ lục VII đã quy định “phán quyết…sẽ được các bên trong tranh chấp tuân thủ”. Vì vậy, Tòa Trọng tài thấy không cần thiết phải đưa ra tuyên bố nào nữa.
Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam
______________________
Hãy tăng thu nhập của bạn cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông .....
______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, consular legalization in Vietnam, và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.66814111"
CÁC TIN LIÊN QUAN
-
Nội dung phán quyết của tòa trọng tài về tranh chấp biển Đông (Phần 3)
-
Nội dung phán quyết của tòa trọng tài về tranh chấp biển Đông (Phần 2)
-
Nội dung phán quyết của tòa trọng tài về tranh chấp biển Đông
-
Án lệ số 04/2016/AL về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Án lệ số 02/2016/AL về tranh chấp tài sản và giao dịch dân sự vô hiệu
-
Quyết định giám đốc thẩm số 14/2009/KDTM-GĐT về tranh chấp quyền sử dụng đất
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê