Chủ nhật, 12-10-2014 , 08:37:00 AM

Dịch vụ pháp luật doanh nghiệp của Luật Á Đông giúp bạn An Toàn, An Tâm và An Phát trong kinh doanh
****************

Chữ ký cũng như là vân tay của người đó. Còn con dấu anh phải thông qua một người khác đóng vào. Vì thế tính pháp lý của chữ ký cao hơn con dấu.

Chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh “chuyện con dấu”.

Làm dấu giả dễ hơn chữ ký giả

Phóng viên: Xuất phát từ đâu mà Việt Nam lại sử dụng con dấu đậm đặc như vậy, thưa ông?

+ Ông Diệp Văn Sơn: Tôi không nhớ rõ từ bao giờ Việt Nam sử dụng con dấu nhưng từ khi bắt đầu có giao dịch giữa Nhà nước và công dân thì có con dấu xuất hiện. Việt Nam rất chuộng con dấu, bái vật con dấu. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua chuyện giẫm đạp lên nhau để tranh cướp ấn đền Trần ở Nam Định diễn ra trong những năm qua.

Lý do dễ hiểu nhất dẫn đến chuyện này là do con dấu gắn liền với quyền lực. Ai nắm được con dấu là nắm được quyền lực. Thời phong kiến, Vua ban ấn-kiếm, ấn là con dấu, anh nắm vương triều là nắm quyền lực. Quan niệm đó ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Thời trước, chức lý trưởng (chức xã trưởng - hương chức chấp hành, trung gian giữa làng và chính quyền. Giữ ấn (dấu) của làng, đảm nhiệm việc thu thuế - NV), ông đi đâu cũng lận con dấu trong túi quần của mình. Nhiều khi lý trưởng không biết chữ nhưng anh ấn con dấu vô như là chứng tỏ quyền lực, quyền uy của mình.

Thời gian đầu xây dựng chính quyền mới cũng thế, cán bộ địa phương chữ nghĩa cũng ít cho nên luôn luôn cầm con dấu để chứng tỏ mình là người đứng đầu chính quyền. Cái quan niệm quyền lực đó kéo dài mãi về sau này.

. Như vậy việc sử dụng con dấu để biểu thị quyền lực dường như đã trở thành một “truyền thống” trong sự vận hành quyền lực ở nước ta. Nguyên lý của sự vận hành quyền lực là luôn có xu hướng lạm dụng nếu không được kiểm soát tốt. Theo quan sát của ông thì đã xảy ra những hệ lụy từ việc lạm dụng con dấu?

+ Nhiều năm trước, Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) cùng với Cục Quản lý hành chính (Bộ Công an) kết hợp đi kiểm tra việc sử dụng con dấu của các cơ quan nhà nước, của các cơ quan, đơn vị… để xem độ sắc nét của dấu, độ to nhỏ, kích thước có đúng quy định hay không, quy trình bảo vệ và sử dụng, việc lạm dụng con dấu… Nói chung quá trình kiểm tra qua nhiều công đoạn rất phiền phức. Khi đến một địa phương có một chuyện khiến mọi người trong đoàn kiểm tra giật mình: Địa phương này vẫn còn sử dụng con dấu khắc chữ VNDCCH để đóng lưu hành các văn bản.

Có thể nói việc lạm dụng con dấu đưa đến nhiều hệ lụy mà mức độ nguy hiểm chúng ta không lường trước được. Như câu chuyện tranh nhau con dấu ở một trường ĐH V diễn ra gần đây: Ông hiệu trưởng quyết không trả con dấu, chính quyền TP không làm gì được mà không thể hủy được con dấu đó. Vì muốn hủy anh phải thu hồi rồi mới được hủy. Sau đó mới ban hành một con dấu khác. Sự việc khiến cho hàng ngàn sinh viên kẹt thi, kẹt bằng cấp.

Hay như câu chuyện trước đây ông Nguyễn Tấn Mẫn còn làm Thứ trưởng Bộ GTVT. Ông được thay Bộ ký những công trình từ Đà Nẵng trở vào Cà Mau. Nếu ông ký mà không có dấu quốc huy thì lại không có giá trị. Ông Mẫn ký xong fax ra Hà Nội rồi mới đóng dấu quốc huy để phát hành gây ra sự chậm trễ dữ lắm.

Mặt khác, hiện nay làm con dấu giả dễ hơn chữ ký. Con dấu giả đang tồn tại nhiều và gây ra những hậu quả hết sức nguy hại như bằng cấp giả đi theo con dấu giả, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng cũng làm được con dấu giả hay khi doanh nghiệp đi vay tiền cũng làm dấu giả…

Cần hạn chế dần con dấu

. Mới đây nhiều ý kiến cho rằng nên có lộ trình tiến tới hạn chế rồi bỏ hẳn con dấu trong các giao dịch. Ông nghĩ gì về kiến nghị đó?

+ Đây là một kiến nghị hợp với xu thế của thời đại. Nếu Nhà nước chấp nhận kiến nghị này là một sự dũng cảm.

Tôi nhớ hồi xưa, Bộ Tài chính phát hành hóa đơn, anh phải đến lấy hóa đơn, bây giờ người ta cho anh in hóa đơn, đó là cả một sự thay đổi rất lớn. Từ chỗ có những loại giấy tờ hàng chục con dấu đỏ chi chít, bây giờ không có dấu nữa thì đó là một bước tiến lớn. Nhưng cần có lộ trình phù hợp.

Việt Nam muốn hòa nhập, một trong những điều phải làm là hạn chế dần, rồi tiến tới bỏ con dấu.

. Với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính như hiện nay, việc hạn chế con dấu nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?

+ Để tiến tới giảm dần con dấu, Nhà nước phải làm gương đi đầu. Chẳng hạn Nhà nước cũng phải chấp nhận chuyện làm ăn của người dân với nhau, ví dụ như người dân mua cái xe máy với nhau bằng hợp đồng giấy viết tay là người dân tự làm tin với nhau. Một xã hội văn minh thì lòng tin còn cao hơn nhiều thứ khác.

Xu hướng bây giờ người ta không dùng con dấu nữa mà bằng chữ ký. Các nước qua đây cũng không mang theo con dấu mà ký kết hợp tác bằng chữ ký. Lúc đầu Việt Nam mình rất ngần ngại tính pháp lý của chữ ký, tự đặt câu hỏi: Chữ ký mà không có dấu người ta chạy mất thì sao. Mà mình chưa nhận thức được tính pháp lý chữ ký của các nước rất cao với các điều kiện đảm bảo được quy định chặt chẽ. Khi đặt bút ký, người ta chịu trách nhiệm cá nhân, chữ ký chỉ duy nhất một người. Anh có thể giả chữ ký nhưng khi giám định hình sự người ta sẽ biết chữ ký đó là của ai. Chữ ký cũng như là vân tay của người đó. Còn con dấu anh phải thông qua một người khác đóng vào. Vì thế tính pháp lý của chữ ký cao hơn con dấu.

Vì vậy chúng ta cần giảm bớt con dấu đi. Trong thời đại công nghệ thông tin nếu mình cứ giữ khư khư con dấu thì không được.

Thiết nghĩ tiến đến hội nhập, tiến đến chính phủ điện tử, công nghệ thông tin sẽ xóa dần con dấu và chúng ta sẽ phải dần thực hiện theo thông lệ của quốc tế.

Xin cảm ơn ông.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂNthành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia:

Nên thực hiện đồng bộ sau khi luật DN ra đời

 


 
Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2013 cả nước có trên 621.000 doanh nghiệp (DN) đã đăng ký thành lập, tức là tăng gấp ba lần so với năm 2005. Mỗi năm có trên 53.000 DN được đăng ký thành lập. Tuy nhiên, trong số 621.000 DN thì chỉ có 356.000 DN đang hoạt động, tức là 57%, còn trên 264.800 DN đang ra sao, như thế nào, một số ngừng hoạt động, đang chờ giải thể, đang chờ phá sản, đang chờ cơ hội hoặc đang hoạt động, Nhà nước không quản lý được. Trong khi đó lúc này nếu áp dụng không sử dụng con dấu thì hậu quả nghiêm trọng.

Ngược lại, nếu áp dụng thí điểm ở một số DN thì cũng không nên. Bởi có DN dùng con dấu, DN kia lại không dùng thì biết thế nào là thật, giả. Bởi vậy đã áp dụng là phải thực hiện đồng bộ.

Vấn đề bỏ con dấu là đúng, là phù hợp với xu thế chung nhưng lúc nào, thời điểm nào thì cần cân nhắc. Tuy nhiên, tốt nhất nên chờ khi luật DN ra đời và có hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra cần có những khâu, những điều khoản quy định khâu hậu kiểm. Hậu kiểm không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, kiểm soát tuân thủ pháp luật của các DN mà còn phân tích, đánh giá để điều chỉnh chính sách, điều chỉnh luật pháp và có chính sách hỗ trợ DN kịp thời.

Ngoài ra chúng ta cũng đang bàn rất nhiều về dự thảo Luật căn cước công dân làm sao cập nhật được toàn bộ thông tin cá nhân của các loại giấy tờ vào thẻ sẽ góp phần giúp việc cởi bỏ con dấu cho DN khi dùng chữ ký.

Chuyên gia kinh tế HUỲNH TRUNG MINH:

Hợp xu thế nhưng chưa phải lúc này

 


 
Hiện nay 170 nước trên thế giới không bắt buộc doanh nghiệp (DN) sử dụng con dấu trong giao dịch, xác nhận giấy tờ. Chỉ còn bảy nước, trong đó có Việt Nam vẫn bắt buộc phải có con dấu. Mới đây một khảo sát nhanh của VCCI cho biết có tới 52% DN đồng ý bỏ con dấu. Việc bỏ sử dụng con dấu cho DN là hoàn toàn hợp với xu thế hiện đại và tiết kiệm được các chi phí để tránh các thủ tục hành chính rườm rà. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay nếu đồng bộ “cởi trói” con dấu cho DN thì chưa thể được.

Bởi vì đến nay chúng ta chưa có cơ sở hạ tầng để quản lý dữ liệu nhân thân của DN cũng như thông tin cá nhân một cách đồng bộ và chặt chẽ. Thế nên mới có tình trạng hàng chục ngàn DN biến mất không hiểu nguyên nhân vì sao. Nên việc ngay lập tức bỏ con dấu sử dụng trong DN sẽ rủi ro về mặt pháp lý. Nhất là tới giờ đã xảy ra trường hợp có tới hàng chục ngàn DN biến mất mà chúng ta không biết thì sẽ thế nào nếu không sử dụng con dấu. Đấy là chưa kể DN cũng được chia ra làm nhiều loại: DN nhà nước, DN tư nhân, công ty một thành viên… Và bản thân nhiều DN họ có thể thuê người điều hành…

Với trường hợp không dùng con dấu mà dùng chữ ký thì việc đổi người điều hành thì chữ ký đó không còn giá trị. Còn khi dùng con dấu, người điều hành không còn làm nữa thì pháp nhân DN đó vẫn phải chịu trách nhiệm.

Ở nước ngoài chỉ cần có chữ ký trên logo công ty là cơ sở pháp lý. Với cá nhân thì có số an sinh xã hội. Khi DN làm ăn phá sản thì có mã số kinh doanh, cá nhân làm sai phạm thì có chỉ số an sinh xã hội để kiểm tra. Dù anh đi từ vùng này sang vùng khác thì số an sinh xã hội ấy sẽ thể hiện tất cả việc anh làm một cách hệ thống. Số an sinh này gắn chặt suốt đời anh.

Vậy nên khi một DN thành lập, đi kèm theo họ sẽ đăng ký mẫu chữ ký của người điều hành hoặc quản lý đó lên mạng mà ai cũng có thể biết chữ ký đó đại diện cho DN đó. Thời gian điều hành đó ông phải chịu tránh nhiệm về chữ ký của mình trong hoạt động kinh doanh.

DN, cá nhân được định danh một cách rõ ràng trong hệ thống cơ sở dữ liệu. Do đó việc xác định trách nhiệm sau này cả hai được quản lý rõ ràng bởi luật pháp chặt chẽ.

Vấn đề ở đây còn nằm ở khía cạnh môi trường kinh doanh và văn hóa cũng như luật pháp và ý thức luật pháp… Chẳng hạn, chúng ta thử đặt câu hỏi tại sao ở nước ngoài nghiệp vụ công chứng lại đơn giản thế. Bất kỳ ai chỉ cần học khóa ngắn hạn là có thể mở văn phòng công chứng và văn phòng công chứng thường là một cái quầy nhỏ. Đó là do nhận thức của người dân về luật pháp cao, hệ thống pháp luật đủ mạnh, hệ thống công nghệ đồng bộ…

 

Theo TÁ LÂM (PLO)

_________________________

Hãy tăng thu nhập của bạn cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông .....
______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh,  thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chínhconsular legalization in Vietnam,  và các dịch

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê