Sửa đổi này được các chuyên gia nhận xét là rất tiến bộ bởi từ trước đến nay đã có nhiều trường hợp người dân gặp tranh chấp nên bức xúc khởi kiện nhưng các tòa án không thụ lý, trả hồ sơ khiến người dân không biết phải nhờ cậy ai.
Tòa phải thụ lý
Chẳng hạn trước năm 2007, ngành tòa án cả nước đã không thụ lý, giải quyết các tranh chấp về hụi, họ, biêu, phường với lý do chưa có quy định pháp luật điều chỉnh. Chỉ đến sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 144 (ngày 27-11-2006) và TAND Tối cao ra hướng dẫn chính thức thì các tranh chấp đòi nợ, đòi tiền liên quan đến hụi, họ, biêu, phường mới được các tòa thụ lý.
Hoặc thời gian qua đã có khá nhiều vụ khởi kiện liên quan đến quyền hương khói, quản lý, di dời mồ mả của cha mẹ, ông bà… Tuy nhiên, các tòa đều từ chối với lý do chưa có văn bản pháp luật nào quy định thẩm quyền giải quyết thuộc tòa hay ủy ban, mặt khác TAND Tối cao cũng chưa có hướng dẫn. Riêng ở TP.HCM, trước những tranh chấp về quyền sử dụng đất mà trên đất có mồ mả, ngành tòa án TP đã phải tạm thời hướng dẫn là chỉ giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất, không thụ lý, giải quyết phần mồ mả.
Người dân tìm hiểu thủ tục khởi kiện tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD
Thực trạng này sẽ được tháo gỡ nếu khoản 3 Điều 5 Dự thảo sửa đổi BLDS lần này được Quốc hội thông qua. Điều khoản trên quy định tòa không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Nếu không có điều luật để áp dụng, tòa sẽ áp dụng theo sự thỏa thuận của các đương sự. Nếu không có thỏa thuận, tòa áp dụng theo tập quán. Nếu không có tập quán, tòa áp dụng nguyên tắc tương tự. Nếu không có nguyên tắc tương tự, tòa áp dụng các nguyên tắc cơ bản của BLDS và theo lẽ công bằng của pháp luật, đạo đức xã hội.
TS Lê Minh Hùng (khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: “Thay đổi này không đơn giản là kỹ thuật làm luật mà nó đảm bảo một nguyên lý cơ bản là đảm bảo sự công bằng”.
Theo TS Hùng, xu hướng chung của luật pháp các nước cũng thể hiện nguyên lý này và họ đã thành công. Không giống các ngành luật khác, luật dân sự là ngành luật thực định rất rộng, bao gồm mọi vấn đề của xã hội. Trí tuệ nhà làm luật chỉ là chủ quan ở một thời điểm, trong khi các vấn đề khách quan vẫn phát sinh hằng ngày, thế nên BLDS mới quy định những phương thức nhằm bổ khuyết việc chưa có quy định điều chỉnh như áp dụng tương tự, tập quán…
Tất nhiên, khi tòa buộc phải giải quyết mà chưa có quy định điều chỉnh thì sẽ phát sinh những mặt trái như cùng một nội dung nhưng mỗi thẩm phán, mỗi tòa có thể hiểu khác và xử khác, tòa cấp trên có thể tùy tiện hủy án của tòa cấp dưới… Nhưng nếu so sánh các mặt trái này với những cái được thì rõ ràng việc tòa đứng ra giải quyết cho người dân có lợi hơn rất nhiều. Ngoài sự công bằng, nó còn bảo vệ trật tự an toàn xã hội (thay vì để người dân bức xúc “tự xử”), bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân. Mặt khác, vẫn có những cách để khắc chế được các mặt trái nêu trên: Thứ nhất, TAND Tối cao ban hành những hướng dẫn chuyên ngành giúp thẩm phán nhận biết, nhận định thống nhất vấn đề. Thứ hai, TAND Tối cao phát triển án lệ, coi đó là nguồn bổ sung pháp luật hữu hiệu, tránh được sự tùy tiện của thẩm phán và loại trừ phần nào tiêu cực trong xét xử.
Hết thời hiệu cũng phải xử
Một điểm đáng chú ý khác là dự thảo BLDS sửa đổi còn quy định cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa án, trọng tài giải quyết vụ, việc dân sự trong thời hạn luật định. Nếu hết thời hạn đó đương sự mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết như quy định hiện hành, tòa án, trọng tài phải thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự.
Luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: “Trong thực tế đã có rất nhiều vụ việc bị các tòa từ chối thụ lý hoặc đình chỉ giải quyết với lý do hết thời hiệu. Khổ nỗi trình độ hiểu biết pháp luật của người dân ở nhiều địa phương còn rất hạn chế, họ còn không biết thời hiệu là gì thì làm sao biết đi khởi kiện cho đúng thời hạn”.
Theo luật sư Bình, quy định như dự thảo giúp thỏa mãn được bức xúc của người dân khi không được tòa án phân xử. Nó còn phù hợp với nguyên tắc không bỏ sót tranh chấp nào và không ai bị tước đi cơ hội tố tụng để tòa xem xét yêu cầu của mình. Thực tế việc bỏ thời hiệu khởi kiện sẽ khắc phục một cách triệt để các vướng mắc phát sinh như hiện nay. Các hành vi dùng “xã hội đen” để đòi nợ thuê, làm hợp đồng giả cách để đòi nợ vì hết thời hiệu không thể kiện ra tòa cũng sẽ giảm đáng kể nếu bỏ thời hiệu.
TS Lê Minh Hùng bổ sung: Một ý nghĩa lớn khác của quy định như dự thảo là có thể khơi gợi được ý thức về “nghĩa vụ tự nhiên” của các bên đương sự trong tranh chấp. Tức là khi tòa xem xét, có thể vụ việc đó hết thời hiệu khởi kiện về pháp lý nhưng ngay tình mà nói thì một bên đúng ra vẫn phải có nghĩa vụ với bên kia theo cách nói dân gian là “có nợ thì phải trả”. Lúc đó nghĩa vụ về đạo đức có thể trỗi dậy khiến người mang nợ tự thấy rằng mình phải làm theo lẽ phải.
“Thực tế ở các nước, việc khơi gợi ý thức về “nghĩa vụ tự nhiên” khá phổ biến và được khuyến khích trong giải quyết tranh chấp dân sự. Ý thức tự nhiên đó là có khi họ thấy vì uy tín, vì danh dự mà họ trả nợ. Đời họ không trả được thì con cháu họ cũng tự nguyện trả vì danh dự của người đã mất” - TS Hùng nói.
Một số vụ tòa không giải quyết vì thiếu luật - Tháng 7-2010, ông T. nhờ UBND một phường ở TP.HCM xác định ngôi mộ trên đất ông D. là mộ của cha mình. Ủy ban từ chối, ông T. kiện ra TAND quận yêu cầu được bốc mộ về nơi khác, tòa cũng không thụ lý. Trước đó, năm 1985, cha ông T. mất, được ông an táng trên miếng đất ông mua giấy tay. Sau đó ông T. bỏ về quê làm ăn, giờ quay lại tìm để bốc mộ cha đưa về quê thì thấy ngôi mộ đã được ông D. (chủ đất hiện nay) tu bổ khác hẳn. Ông D. cũng nói ngôi mộ đó là của cha mình… - Tháng 4-2010, ông S. nhiều lần đến gặp chú ruột ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) xin cải táng mồ mả cha mẹ (chôn cất tại khu mộ gia tộc trên đất của người chú) về một nghĩa trang tại TP Cần Thơ để tiện chăm sóc. Người chú không chịu, ông S. nhờ chính quyền xã nhưng bất thành. Ông S. kiện ra TAND huyện Lai Vung cũng bị tòa từ chối thụ lý. - Tháng 5-2008, TAND huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã đình chỉ giải quyết vụ ông C. bị họ hàng kiện đòi bồi thường vì tự ý di dời ngôi mộ của người anh bởi chưa có quy định điều chỉnh. Trước đó, năm 2006 ông C. di dời hài cốt của người anh về chôn chỗ khác để giao mảnh đất tọa lạc tại xã Thới Thạnh cho người mua. Thân nhân người anh khiếu nại, xã hòa giải không thành nên chuyển hồ sơ đến tòa… ___________________________________ Sửa là đúng Tôi cho rằng đã là quan hệ dân sự thì tòa có trách nhiệm phải giải quyết. Việc tòa từ chối vì pháp luật chưa có quy định như xưa nay là không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, nếu quy định này được ghi nhận chính thức thì cần giải thích rõ về việc vận dụng tập quán và áp dụng quy định tương tự của pháp luật để thẩm phán dễ xét xử. Ngoài ra, cũng cần giải thích cụm từ “lẽ công bằng” để thẩm phán biết cách dựa vào đó mà xem xét, giải quyết vụ, việc dân sự cho thống nhất. Luật sư PHAN NGỌC NHÀN, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk |