Hành vi của anh Võ Văn Minh có phạm tội hay không sẽ hạ hồi phân giải (bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tố tụng có thẩm quyền), song câu chuyện con ruồi trong chai nước vẫn còn có khía cạnh khác mà dư luận đang rất quan tâm. Đó là hành xử, là đạo đức của một doanh nghiệp đối với người tiêu dùng (NTD) khi NTD phát hiện sảnphẩm của anh “có vấn đề”.
Chúng ta thử hình dung một “kịch bản” khác cho câu chuyện này. Khi anh Minh có hành vi dọa Tân Hiệp Phát (THP) để đưa ra yêu sách đòi “chung” số tiền lớn, thay vì giả vờ đồng ý rồi báo công an đến bắt khi anh Minh đang nhận tiền như đã diễn ra, THP hoàn toàn có thể làm khác. Đó là giải thích cho anh Minh biết làm vậy là “không được”, là “tống tiền”, là có thể vi phạm pháp luật. THP nên nói cho khách hàng của mình biết nếu như anh không đồng ý khoản tiền tôi đưa ra thì anh có quyền kiện ra tòa và chứng minh, tòa án sẽ phán quyết… Khi đó anh Minh đã không bị bắt.
Nhưng THP đã không lựa chọn cách này.
Dư luận cho rằng nếu Tân Hiệp Phát không “gài bẫy” thì anh Võ Văn Minh đã không bị cảnh thế này. Ảnh: VNExpress.net
Khác với những tội danh khác, một người bị bắt và khởi tố khi anh ta đã thực hiện tội phạm xong rồi, việc thực hiện tội phạm ấy không ai biết trước, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan hay sự “tham gia” của người khác. Chẳng hạn, một người phạm tội lừa đảo hay cố ý gây thương tích thì không phụ thuộc vào việc có ai đó “gài bẫy” anh ta. Còn ở đây, hành vi nhận tiền của anh Minh xảy ra khi và chỉ khi THP “bài binh bố trận” chuyện giao tiền (và tố cáo đến công an). Nói cách khác, nếu THP không tố cáo, không đưa tiền thì anh Minh đã không bị bắt. (Chuyện này giống như người ta từng không tán đồng việc nhà báo “gài bẫy” CSGT rồi ghi âm, ghi hình đăng báo.)
Cho nên chuyện dư luận phản ứng với cách hành xử của THP âu cũng là điều dễ hiểu. Nhiều người còn cho rằng chính THP đã “gài bẫy” anh Minh, giả vờ thỏa thuận xong rồi “lật kèo”.
Xâu chuỗi với những vụ việc trước đó (cũng liên quan đến THP, cũng chai nước có gián, có ống hút, THP cũng thương lượng, cũng giao tiền rồi báo công an đến bắt và thực tế có người đã bị tù) người ta cho rằng đây là cách THP giải quyết vấn đề khi sản phẩm của mình bị khiếm khuyết. Đó là sự “dằn mặt” người phát hiện ra sản phẩm có lỗi, là “công thức” chung để ứng phó với sự cố có thể gây tổn hại đến sức khỏe của NTD.
Không ai tranh cãi về lòng tham của người mang chai nước có dị vật đi đòi đến 1 tỉ đồng. Nhưng lòng tham này chỉ bắt nguồn, chỉ nhen lên từ việc chai nước của doanh nghiệp có vấn đề, tức mọi chuyện bắt nguồn từ cái lỗi của nhà sản xuất. Và một doanh nghiệp lớn, có thương hiệu từng “đứng” được trong lòng NTD thì phải biết cách trân trọng, cám ơn người đã phát hiện ra sản phẩm có lỗi của mình. Từ đó anh phải biết cách giải quyết câu chuyện hài hòa, tử tế với người phát hiện ra lỗi chứ không phải góp phần đưa người ấy vào tù. Đó không chỉ là đạo đức kinh doanh mà còn là đạo lý, là hành xử có tình giữa người với người.
Nói như luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong chuyện này, về mặt đạo đức, THP cũng không hơn gì khách hàng (có lòng tham) ấy.
Một điều khác cũng không kém phần quan trọng, đó là tại sao một doanh nghiệp lớn như THP với dây chuyền máy móc công nghệ được cho là hiện đại lại liên tiếp cho ra nhiều sản phẩm có dị vật bên trong? Mới đây, ngày 6-2, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị THP “khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin, báo cáo nguyên nhân, biện pháp xử lý” gửi về cho Cục trước ngày 10-2. Theo chúng tôi, chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm không thể chỉ dừng lại ở việc để THP tự mình kiểm tra rồi báo cáo. Với hàng loạt sự cố như đã nói, cơ quan chức năng cần có đợt thanh tra, kiểm tra toàn diện quy trình sản xuất của THP. Có như thế NTD mới yên tâm sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp từng nhiều lần có “dị vật trong chai nước”.
Dàn xếp chứ không phải tống tiền Nếu ở Mỹ, hành vi như của anh Võ Văn Minh không bị coi là tống tiền mà chỉ là chuyện dàn xếp dân sự. Tháng 1-2009, Stephen Forse ở Oxfordshire (Anh) mua một ổ bánh mì sandwich từ cửa hàng online Tesco. Sau khi ăn một vài miếng, ông phát hiện xác một con chuột trong ổ bánh mì. Stephen Forse khiếu nại và hãng Premier Foods, nơi sản xuất “ổ bánh chuột” bị phạt 5.500 bảng Anh và phải bồi thường riêng cho ông Forse hơn 11.109 bảng Anh. Năm 2008, John Agnesini (Mỹ) mua một ổ bánh mì Subway và bị “khuyến mãi” thêm một con dao trong ổ bánh. Ông này kiện Subway ra tòa đòi bồi thường 1 triệu đôla. Subway đã liên hệ với Agnesini để dàn xếp. Cuối cùng, Agnesini chịu nhận 20.000 đôla và rút đơn kiện. Năm 2005, ở Mỹ, David Scheiding mua bánh sandwich gà tại một cửa hàng Arby’s. Một nhân viên cửa hàng trong lúc chuẩn bị thức ăn đã bị đứt tay. Mẩu thịt ngón tay này lọt vào trong cái bánh sandwich. David Scheiding kiện cửa hàng Arby’s, đòi khoản bồi thường 50.000 đôla và thắng kiện. Trên đây chỉ là ba trong số rất nhiều vụ mà thực phẩm hoặc đồ uống có vấn đề, có thể gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Công ty/cửa hàng sai phạm thường sẽ gặp vấn đề về pháp lý (bị phạt, bồi thường cho khách, bị tước giấy phép hoạt động…) hoặc về danh tiếng công ty (mất hình ảnh thương hiệu, bị khách hàng tẩy chay…). Ở Mỹ, việc dàn xếp được xem là quan hệ dân sự. Luật pháp Mỹ rất nghiêm với hành vi tống tiền hoặc đe dọa nhưng vẫn cho phép “đặc quyền dàn xếp” và những lời hăm dọa trong suốt quá trình dàn xếp pháp lý sẽ không cấu thành tội danh tống tiền. Một lời đe dọa như “nếu anh không bồi thường (tiền) cho tôi, tôi sẽ đưa việc này ra công chúng; khi đó công ty các anh sẽ thân bại danh liệt” là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, lời đe dọa kiểu “nếu anh không dàn xếp với tôi, tôi sẽ đốt trụi công ty các anh” là không được phép vì đó là một lời đe dọa tấn công (và đây là tội danh khác, cũng không liên quan đến tống tiền). Có hai luận điểm chính để giải thích cho “đặc quyền dàn xếp”. Một là những trao đổi trong quá trình dàn xếp không (bị xem là) liên quan đến việc tống tiền vì thường động cơ của cả hai bên là mong muốn giải quyết êm thấm, hòa bình. Đó không phải là việc một bên hoàn toàn bị khuất phục bởi bên kia (do bị khai thác điểm yếu) như dấu hiệu bắt buộc trong tội tống tiền. Trong dàn xếp, bên bị vẫn có thể đưa ra đòi hỏi, đe dọa ngược lại bên nguyên. Hai là khuyến khích một chính sách chung cho cộng đồng nhằm ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp/bất đồng bằng việc tự dàn xếp, qua đó hạn chế việc người dân kéo nhau ra tòa. Báo New York Timescó con số thống kê rằng khoảng 80%-92% các vụ việc dân sự ở Mỹ được dàn xếp thay vì được đưa ra xử trước tòa. Nói một cách ngắn gọn, ở Mỹ bất kỳ lời đe dọa hay đòi hỏi nào trong quá trình dàn xếp pháp lý sẽ không cấu thành tội tống tiền. “Đặc quyền dàn xếp” bảo vệ tất cả trao đổi và liên lạc trong quá trình dàn xếp, dù đó là lời đe dọa pháp lý từ bên bị hay bên nguyên đơn. Trên thực tế, các cuộc dàn xếp đều được giữ kín vì nhiều lý do, trong đó có bảo vệ danh tiếng cho công ty, thương hiệu có liên quan. Những vụ xuất hiện trên mặt báo là vì dàn xếp không xong và người tiêu dùng kiện ra tòa. Phương Nguyễn (du học sinh Mỹ) |