Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng, trong phần lớn các vụ án hành chính, ở giai đoạn xét xử sơ thẩm tại tòa cấp huyện (thậm chí tòa cấp tỉnh) thì người dân thường thua kiện. Chỉ khi đến cấp phúc thẩm thì vụ án mới được xem xét khách quan hơn và nhiều vụ trong số đó tòa phúc thẩm đã có phán quyết ngược lại hoặc hủy án sơ thẩm.
Thẩm phán Phạm Công Hùng
Xét xử đúng luật, giao tiếp đúng mực
. Phóng viên: Vì sao lại có thực tế đó, thưa ông?
+ Thẩm phán Phạm Công Hùng: tỉ lệ các bản án hành chính sơ thẩm bị cấp phúc thẩm cải sửa theo hướng chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện vẫn còn cao. Điều này khiến một số người nghi ngờ về tính khách quan và áp lực nào đó của phía người bị kiện tạo ra cho thẩm phán cấp sơ thẩm khi xét xử. Tôi thì cho rằng có nhiều nguyên nhân như trình độ nhận thức của thẩm phán, kinh nghiệm, kỹ năng xét xử, đồng thời cũng có những nguyên nhân thuộc về bản lĩnh của thẩm phán và HĐXX.
. Theo ông, mô hình tòa án sơ thẩm khu vực trong tiến trình cải cách tư pháp có thể xóa bỏ được tâm lý “ngại chính quyền địa phương, nể quan chức” của các thẩm phán cấp sơ thẩm khi xử án hành chính?
+ Trước đây, khi thảo luận về việc thông qua Luật Tổ chức TAND mới, nhiều người rất tâm đắc về việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực. Lý do là tòa án khu vực sẽ làm giảm sức ép cho các thẩm phán khi xét xử các vụ án hành chính mà bên bị kiện là chủ tịch UBND hoặc UBND cùng cấp. Cuối cùng thì Luật Tổ chức TAND mới không quy định về tòa án khu vực nhưng cũng có các quy định đảm bảo cho các tòa án và thẩm phán yên tâm làm nhiệm vụ, giảm thiểu sự lệ thuộc bởi cơ quan hành chính cùng cấp. Cụ thể, luật đã quy định nhiệm kỳ của thẩm phán được kéo dài hơn (nhiệm kỳ đầu là năm năm, nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm).
Tôi nghĩ rằng công việc nào cũng vậy thôi, bên cạnh thuận lợi thì bao giờ cũng có những khó khăn và sức ép nhất định. Đối với nghề xét xử, Luật Tổ chức TAND mới đã tháo gỡ cho thẩm phán một phần như vậy cũng là tốt lắm rồi. Điều quan trọng là việc xét xử của thẩm phán phải đúng pháp luật và các hành xử giao tiếp trong công vụ phải có tính thuyết phục cao. Tôi tin rằng một khi bản án của HĐXX đạt được hai tiêu chí trên thì các thẩm phán chúng ta sẽ không có một sức ép hay áp lực nào hết.
Đừng làm mất niềm tin của dân
Phóng viên: Thực tế sau khi Luật Tố tụng hành chính ra đời với điểm mới là người dân được khởi kiện thẳng ra tòa mà không cần qua khiếu nại thì số lượng các vụ kiện hành chính lại không tăng đột biến. Người dân vẫn còn nặng tâm lý “con kiến kiện củ khoai” hay họ đang mất niềm tin vào tòa án, thưa ông?
+ Đúng là kể từ khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực (ngày 1-7-2011) đến nay thì số lượng án hành chính tòa các cấp thụ lý, giải quyết không nhiều bằng án dân sự hoặc kinh doanh thương mại. Nhưng so với thời điểm chưa có Luật Tố tụng hành chính thì số lượng này cũng tăng lên đáng kể rồi.
chúng ta không nên đánh giá hiệu quả của Luật Tố tụng hành chính bằng việc gia tăng số lượng các vụ kiện so với trước đó bởi luật đã dành cho người dân được quyền lựa chọn hình thức giải quyết là kiện ra tòa hay khiếu nại đến các cơ quan hành chính. Điều quan trọng là khi người dân lựa chọn tòa án thì việc xét xử của tòa phải thật nghiêm minh. Có như thế thì tòa án mới tạo ra sự tin tưởng cho người dân và sự tôn trọng của cộng đồng xã hội. Khi người dân cảm thấy tin tưởng vào tòa án thì tự khắc họ sẽ tìm đến để nhờ tòa phân xử, lúc ấy số lượng án sẽ tăng rất nhanh. Do vậy tòa án đừng để mất niềm tin của người dân bằng chất lượng xét xử của mình.
. Để tăng chất lượng xét xử án hành chính, có những bản án công tâm và đúng pháp luật, bên cạnh việc thẩm phán phải có bản lĩnh, chúng ta còn cần phải sửa đổi quy định như thế nào, thưa ông?
+ Tôi đề nghị Luật Tố tụng hành chính nên giao cho tòa án thẩm quyền xét xử cả các quyết định hành chính mang tính chất nội bộ của cơ quan như quyết định về tuyển dụng công chức, quyết định luân chuyển công chức và một số quyết định khác liên quan đến công tác tổ chức cán bộ… Bởi lẽ điều này sẽ giúp kiểm soát công khai tình trạng chạy chọt trong thi tuyển cán bộ, công chức và chạy chức, chạy quyền trong xã hội.
. Xin cám ơn ông.
Làm sao để ủy ban chịu thi hành án? Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng, việc thi hành án (THA) hành chính hiện nay là một “vấn đề nan giải” bởi nhiều bản án hành chính, nhất là án có nội dung buộc UBND hủy các quyết định hành chính để ban hành quyết định khác thì UBND không làm. Điều đó làm cho bản án đã có hiệu lực của tòa không được thực thi (nói nôm na là người dân chỉ thắng kiện trên giấy). Trong khi đó, cơ quan THA dân sự chỉ có quyền nhắc nhở, đôn đốc cơ quan hành chính tự nguyện THA chứ không có quyền cưỡng chế. Từ đó, Thẩm phán Hùng cho rằng tốt nhất là Luật Tố tụng hành chính cần sửa đổi theo hướng gắn trách nhiệm của tòa với việc THA hành chính. Theo đó, ngoài việc xét xử thì tòa còn phải ban hành quyết định THA hành chính và buộc người thua kiện thi hành. Ngoài ra, cũng cần gắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên theo hướng trong một số trường hợp luật định, cơ quan này phải trực tiếp ban hành quyết định THA hành chính buộc cấp dưới phải thi hành theo bản án đã có hiệu lực của tòa. |