Hôm nay (3-3), theo dự kiến TAND TP Bến Tre xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do ăn xong bánh mì thì bị ngộ độc giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Kim Thuyên cùng người con và bị đơn là chủ tiệm bánh mì Minh Tuyến ở TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre). Đây là vụ thứ hai sau một vụ kiện tương tự đã được tòa này xét xử vào ngày 9-2 và kết quả là nguyên đơn thua kiện.
Ngày 22-5-2013, nhiều người dân sau khi mua bánh mì tại tiệm trên ăn xong thì bị ngộ độc. Có 173 nạn nhân bị ngộ độc nhưng chỉ có 22 người khởi kiện ra tòa đòi bồi thường số tiền họ đã phải bỏ ra điều trị (tổng số tiền khoảng 40 triệu đồng).
Trong vụ kiện đầu tiên do ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ phường 5, TP Bến Tre) làm nguyên đơn, tòa tuyên bác yêu cầu vì lý do ông không chứng minh được mình bị ngộ độc thực phẩm là do ăn bánh mì tại tiệm này. Theo tòa, ông Hoàng đã không cung cấp được hóa đơn để chứng minh đã mua bánh mì tại tiệm này và ăn bị ngộ độc. Ông Hoàng cho biết sẽ kháng cáo bản án và theo đuổi vụ kiện tới cùng.
Đòi hỏi “phải có hóa đơn mua bánh mì” như đã nêu của tòa có hợp lý hay không? Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến phân tích của nhiều chuyên gia.
Kết luận y tế là chứng cứ quan trọng
Thực chất những đòi hỏi của tòa là vấn đề đánh giá chứng cứ, trong vụ này đòi hỏi tòa phải rất tinh tế nhưng không khó để vừa đúng luật mà không gây khó khăn cho người bị thiệt hại.
Theo diễn biến sự việc thì ngay sau khi xảy ra vụ ngộ độc hồi tháng 5-2013, cơ quan quản lý đã vào cuộc. Cụ thể, theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Bến Tre) thì đã có 173 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì thịt của tiệm Minh Tuyến. Đa số nạn nhân được điều trị tại BV Nguyễn Đình Chiểu. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre cũng xác định mẫu trong thịt heo, patê gan, chả lụa lấy từ tiệm Minh Tuyến ngày 24-5 đều nhiễm vi khuẩn E. Coli và Coli - form. Cơ quan này cũng lập danh sách 173 người bị ngộ độc, trong đó có 22 người đã khởi kiện. Như vậy đây không phải là chứng cứ duy nhất nhưng là chứng cứ có giá trị rất lớn để xác định việc ăn bánh mì của tiệm Minh Tuyến chính là nguyên nhân trực tiếp của việc ngộ độc. Từ chứng cứ này kết hợp với lời khai của những người làm chứng, người bị ngộ độc khác, tòa vẫn có thể lập luận theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của họ.
Nếu máy móc đòi họ cung cấp hóa đơn, bao bì nhãn hiệu hay mẫu bệnh phẩm... thì cũng không sai nhưng là đòi hỏi quá đáng. Bởi thực tế bánh mì của cơ sở này khi bán chỉ được gói trong túi nylon, không có nhãn hiệu. Nếu cho rằng phải có chứng cứ để chứng minh thì rõ ràng không có cách nào họ có được vì ai cũng biết điều kiện khách quan không cho phép. Người tiêu dùng mua những vật dụng nhỏ, lẻ như thức ăn đường phố là bánh mì thì không thể biết trước là mình sẽ bị ngộ độc để thu thập chứng cứ làm bằng chứng chứng minh mình có ăn bánh mì tại nơi đó. Tòa đòi hỏi những thứ mà không thể thu thập được là đang làm khó người dân.
Cơ sở bánh mì Minh Tuyến ở TP Bến Tre (tại thời điểm xảy ra vụ ngộ độc) do bà Võ Thị Minh Tuyến làm chủ. Ảnh: HN
Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM
Những nạn nhân khác là bằng chứng xác thực nhất
Tôi cho rằng tòa đòi hỏi cung cấp hóa đơn mua bánh mì là quá đáng. Tất nhiên nghĩa vụ chứng minh thuộc về người khởi kiện nhưng trong trường hợp như thế này yêu cầu có hóa đơn không phải là một chứng cứ mang tính bắt buộc. Vì Nghị định số 51/2010 của Chính phủ đã quy định rõ khi bán hàng, cung ứng dịch vụ mà hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng/lần thì không phải lập hóa đơn. Như vậy thì làm sao bắt người tiêu dùng nhỏ, lẻ cung cấp hóa đơn khi họ chỉ mua hai ổ bánh mì với giá 14.000 đồng.
Tôi nghĩ để xác định chứng cứ tòa hoàn toàn có thể triệu tập những người khác trong số 173 người bị ngộ độc với tư cách là người làm chứng hoặc người liên quan. Việc này giúp tòa dễ dàng xác định thời điểm, danh tính cửa hàng và triệu chứng lâm sàng qua hồ sơ y tế của họ tại thời điểm 2013 để bổ sung cho chứng cứ từ Sở Y tế. Vì về mặt chứng cứ báo cáo của cơ quan này có giá trị như việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc tập thể, không có nghĩa là mẫu lấy xét nghiệm trùng với mẫu mà một nguyên đơn cụ thể nào đó đã ăn phải. Nếu thấy tất cả trường hợp này trùng khớp nhau về lời khai là tất cả ổ bánh mì đó được mua từ tiệm Minh Tuyến thì rõ ràng đây là nơi xuất phát của ổ dịch khiến họ bị ngộ độc. Do vậy trường hợp này những người bị ngộ độc là những bằng chứng xác thực nhất cho tòa đánh giá vì đây là sự kiện có thật, không phải ngụy tạo hay dựng chuyện.
Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An
Tòa cẩn trọng quá mức!
Theo tôi, tòa đang quá cẩn trọng trong việc đánh giá chứng cứ khi yêu cầu cơ quan chức năng phải nói rõ cụm từ: “Nguyên đơn là ông A, bà B ăn bánh mì ở tiệm Minh Tuyến bị ngộ độc” thì mới chịu. Với kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền và sự kiện có thực đã xảy ra thì tòa vẫn có thể thấy được mối quan hệ giữa việc ăn bánh mì là nguyên nhân gây ra hậu quả bị ngộ độc cho những người đã từng phải đi cấp cứu trong khoảng thời gian hai ngày đó. Việc không đánh giá chứng cứ theo hướng có lợi cho bên yếu thế hơn thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm của tòa, gây phản ứng trong dư luận. Thực tế thì tại thời điểm đó nếu người mua có yêu cầu hóa đơn thì tôi tin chắc tiệm bánh mì cũng không có để cung cấp cho khách. Trong khi đó, nhiều người cùng ngộ độc thực phẩm trong một vụ và cơ quan y tế đã có kết luận rõ ràng là do ăn bánh mì của tiệm Minh Tuyến thì tòa lại không để ý.
TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật
ĐH Thủ Dầu Một
Chứng cứ thuyết phục hơn hóa đơn
Trong vụ nhiều người bị ngộ độc bánh mì Minh Tuyến (Bến Tre), tuy người tiêu dùng không có hóa đơn, chứng từ mua bánh mì nhưng có nhiều yếu tố liên quan có thể làm chứng cứ cho việc người tiêu dùng bị ngộ độc do ăn bánh mì ở tiệm này.
Cụ thể, những người này bị ngộ độc cùng thời điểm, cùng có điểm chung ăn bánh mì của tiệm Minh Tuyến. Quan trọng là khi sự việc xảy ra, có thông tin về ngộ độc thực phẩm thì cơ quan quản lý đã kiểm tra, lập biên bản cơ sở bánh mì này, xét nghiệm cho thấy thực phẩm tại đây có nhiễm khuẩn. Những chứng cứ này đủ chứng minh cho việc ngộ độc thực phẩm là từ bánh mì của tiệm.
Tòa không nên cứng nhắc đòi hỏi hóa đơn, chứng từ mua bánh mì. Quy định về thuế cũng không bắt buộc bán bánh mì mấy ngàn đồng/ổ phải xuất hóa đơn nên tòa đòi người tiêu dùng phải có hóa đơn là vô lý. Hỏi thử tòa đi ăn phở, mua bánh mì, mua xôi có đòi hóa đơn không mà nay xét xử lại đòi người dân có hóa đơn!
Luật gia PHAN THỊ VIỆT THU, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ
người tiêu dùng TP.HCM
Sẽ bảo vệ người tiêu dùng đến cùng
Hội sẽ theo sát vụ việc để bảo vệ quyền lợi người dân đến cùng. Quan điểm của chúng tôi đây là một vụ việc có thật, đã đủ cơ sở, chứng cứ để chứng minh dù qua làm việc ban đầu, chủ cơ sở Minh Tuyến luôn có thái độ bất hợp tác. Tuy nhiên, có thể là do sai sót hoặc nhận thức của tòa, từ quyết định của tòa đã gây bức xúc dư luận thời gian qua. Tôi đã làm việc với nhiều người dân, có người phải nằm bệnh viện tốn cả chục triệu đồng. Gần hai năm qua, họ phải chạy ngược xuôi kêu cứu vất vả, tiền xăng xe đến giờ đã nhiều gấp cả chục lần tiền thuốc. Điều đó cho thấy rõ mục đích của họ chủ yếu không phải cần bồi thường mà muốn vụ việc được sáng tỏ.
Ông HUỲNH DUY NHÂN,
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bến Tre
Lấy mẫu xét nghiệm sau hai ngày là không khách quan Ngoài việc cung cấp hóa đơn, giấy tờ để chứng minh, một yếu tố quan trọng nữa là việc lấy mẫu thực phẩm đi xét nghiệm. Trong trường hợp ngộ độc nói trên, nạn nhân bị ngộ độc ngày 22-5 nhưng đến ngày 24-5 cơ quan y tế mới tiến hành lấy mẫu là không khách quan. Nếu việc lấy mẫu tiến hành đúng quy định và xác định mẫu thực phẩm là nguyên nhân gây ngộ độc, chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để tuyên án ngay mà không đòi hỏi người dân phải cung cấp hóa đơn hay giấy tờ gì khác. Ông BÙI QUANG SƠN, Chánh án TAND TP Bến Tre Tòa yêu cầu vậy là không đúng Theo quy định của ngành y tế thì bánh mì là thực phẩm ăn ngay, không yêu cầu phải công bố chất lượng sản phẩm nên không quy định phải có nhãn mác, hạn sử dụng. Do đó việc tòa yêu cầu cung cấp những chứng cứ trên là không đúng quy định. Trong vụ việc này, chủ cơ sở đã cố chấp ngay từ đầu, lẽ ra phải nhận sai và bồi thường cho người dân. Bởi căn cứ vào hồ sơ bệnh án và quá trình điều tra của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã đủ căn cứ, cơ sở để xác định người dân bị ngộ độc là do ăn bánh mì từ cơ sở Minh Tuyến. Ý kiến của tòa cho rằng ngày 22-5 bị ngộ độc nhưng đến ngày 24-5 mới lấy mẫu nên không khách quan là không đúng. Bởi ngoài khâu này còn có cả một quy trình điều tra bệnh lý, người bệnh… của cơ quan chuyên môn. Ông VÕ HỒNG KHANH, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre Tôi biết là làm khó nhưng… Bản thân tôi cũng từng ăn bánh mì nên rất hiểu việc yêu cầu người dân cung cấp hóa đơn, giấy tờ liên quan chứng minh là làm khó cho họ. Trong vụ này, trong thâm tâm và ý kiến chủ quan tôi vẫn hiểunhững trường hợp nói trên nguyên nhân gần như chắc chắn là do ăn bánh mì ngộ độc. Tuy nhiên, khi xem xét vụ việc còn đánh giá chung của cả HĐXX và căn cứ vào chứng cứ cụ thể.
Thẩm phán LÊ NGỌC KHÁNH, chủ tọa phiên tòa |