Dưới đây là hai vụ án khá vui liên quan đến việc người dân mua nhà thuộc sở hữu nhà nước nhưng không được công nhận phần không gian phía trên (dân gian thường gọi là nóc nhà). Cả hai vụ án vẫn còn trong quá trình tố tụng nên chúng tôi không bình luận đúng sai nhưng rõ ràng sự bất nhất của các cơ quan cấp giấy đang khiến người dân nửa khóc nửa cười.
Kiện UBND đòi nóc nhà
Tháng 11-1999, UBND tỉnh Tiền Giang ra quyết định bán cho vợ chồng ông Đào Văn Tùng căn nhà số 13, đường Lê Văn Duyệt, phường 1, TP Mỹ Tho. Quyết định này ghi đặc điểm căn nhà là nhà “cấp 2, loại kiên cố một lầu”. Một tháng sau, vợ chồng ông Tùng được cấp giấy hồng có ghi rõ kết cấu nhà là cột bê tông, tường chung, mái bê tông.
Trước đó, ngày 12-10-1998, UBND tỉnh có công văn gửi Sở Xây dựng tỉnh này cho ý kiến về việc giải quyết việc sở hữu giữa hai nhà số 13 và 15 liền kề. Theo công văn này, tỉnh cho rằng Sở Xây dựng phải hủy biên bản giao căn nhà số 15 và lầu 1 căn nhà số 13 giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ty Quản lý nhà đất cho chủ căn nhà số 15 (ông LHB); buộc ông B. phải hoàn trả lầu 1 và phần sân thượng nhà số 13 để Nhà nước quản lý. Tỉnh cũng chấp thuận việc bán nhà số 13 (có một trệt, một lầu và sân thượng) cho vợ chồng ông Tùng theo tờ trình mà vợ chồng ông đã gửi.
Tuy nhiên, do khi nhận nhà không có phần sân thượng nên vợ chồng ông Tùng đã khiếu nại đến UBND tỉnh nhưng không được giải quyết. Phía ông B. cũng khiếu nại để xin sử dụng toàn bộ nhà số 13. Đầu năm 2006, UBND tỉnh ra quyết định giải quyết khiếu nại bác yêu cầu của ông B. xin lại tầng trệt và lầu 1 nhà số 13 nhưng chấp nhận cho ông hợp thức hóa phần… sân thượng căn nhà này. Lý do là dù nhà 13 đã được bán cho vợ chồng ông Tùng nhưng thực tế thì ông B. đã sử dụng sân thượng ổn định, liên tục. Trên cơ sở này, năm 2008 ông B. được cấp giấy hồng nhà số 15 của mình và cả phần sân thượng nhà số 13.
Sân thượng nhà số 13 của ông Đào Văn Tùng (tiệm kim khí điện máy) được chủ nhà số 15 xây thành một căn phòng. Ảnh: T.TÙNG
Tháng 6-2013, vợ chồng ông Tùng khởi kiện UBND tỉnh yêu cầu cơ quan này phải giao sân thượng nhà 13 theo đúng hợp đồng mua bán trước đây và thu hồi quyết định năm 2006 cũng như giấy hồng đã cấp cho ông B. (liên quan đến nội dung giao sân thượng nhà số 13 cho ông B.). Ngày 10-6 vừa qua TAND tỉnh Tiền Giang đã xử sơ thẩm tuyên bác các yêu cầu của vợ chồng ông Tùng. Hiện ông Tùng đã kháng cáo bản án này.
Ông Tùng nói: “Ai đời cái sân thượng nằm trên nóc nhà mình nhưng bao năm qua gia đình tôi không được lên, lý do là hàng xóm đã bít cửa và xây phòng ở trên đó. Sau này chúng tôi muốn xây mới hoặc sửa chữa nhà thì phải làm sao khi người sử dụng phần nhà phía trên vẫn cứ ở đấy? Đây là nhà riêng chứ có phải căn hộ chung cư đâu...”.
Chúng tôi đã liên hệ với UBND tỉnh Tiền Giang để tìm hiểu thêm vụ việc nhưng nơi này cho rằng vụ việc đang trong quá trình giải quyết của tòa án nên cứ chờ.
Đòi nóc bếp, mất luôn cả bếp
Năm 1987, vợ chồng ông Nguyễn Hồng Điều được Nhà nước cho mua hóa giá căn nhà số 20A Võ Thị Sáu (quận 1, TP.HCM). Sau đó ông được Sở Nhà đất TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, công nhận diện tích xây dựng 57,7 m2. Năm 1993, ông sửa nhà, xin cấp lại giấy hồng mới và được UBND TP.HCM chấp thuận với diện tích xây dựng như cũ. Tuy nhiên, bản vẽ kèm theo giấy hồng mới này lại có thêm phần mặt cắt, ghi nhận nóc nhà bếp của ông do hộ khác sử dụng. Ông Điều cho biết khi ông mua căn nhà 20A thì nóc nhà bếp của ông do gia đình ông H. (hộ kế bên, nhà mang số 20A1) sử dụng. Sau đó ông H. bán nhà 20A1 lại cho bà Y. và hiện bà Y. ở cho đến nay.
Cho rằng nhà phải có nóc nên mới đây ông Điều khởi kiện bà Y. yêu cầu tòa công nhận quyền sở hữu nóc nhà bếp và phần không gian phía trên cho mình. Trong khi phía bà Y. cho rằng năm 1998, khi bà mua nhà 20A1 thì bản vẽ hiện trạng kèm theo thể hiện phần nóc nhà bếp nói trên là sân thượng của nhà bà. Từ khi mua nhà đến nay, bà giữ nguyên hiện trạng sử dụng, không cơi nới hay xây dựng gì thêm.
Tháng 10-2010, TAND quận 1 xử sơ thẩm tuyên bác yêu cầu của ông Điều. Ông Điều kháng cáo. Đầu năm 2012, TAND TP.HCM xử phúc thẩm nhận định: Hợp đồng mua bán nhà giữa ông H. và bà Y. không thể hiện có bán phần sân thượng (nóc nhà bếp); cấp sơ thẩm không mời ông H. vào tham gia tố tụng là thiếu sót, không thể bổ sung. Từ đó tòa phúc thẩm hủy án, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.
Vụ việc phức tạp hơn khi trong thời gian chờ TAND quận 1 xử sơ thẩm lại, ông Điều lại làm đơn xin cấp lại giấy hồng. Ngày 20-12-2013, UBND quận 1 cấp lại giấy hồng cho ông Điều nhưng diện tích nhà của ông ghi nhận chỉ còn 55,6 m2 (hụt hơn 1 m2. Đặc biệt, phần diện tích nhà bếp hơn 17 m2 mà ông Điều đang sử dụng được ghi chú trong giấy là diện tích “sử dụng chung”. Ông Điều khiếu nại UBND quận vì cho rằng không những không được công nhận phần nóc bếp mà giấy hồng mới còn tước đi quyền sử dụng diện tích bếp khiến ông thiệt đơn thiệt kép.
Sau khi bị quận bác khiếu nại, ông Điều khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu tòa án tuyên hủy việc cấp giấy của UBND quận. Mới đây, TAND quận 1 đã thụ lý vụ kiện này. Như vậy, tranh chấp này hiện đang có hai vụ án song song và TAND quận 1 vẫn đang thụ lý giải quyết…