thứ hai, 25-07-2016 , 01:14:00 AM

Trung Quốc buộc phải điều chỉnh cách hành xử của mình, nếu không sẽ trả giá đắt bằng chính thể diện quốc gia.

GS Carl A. Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về cục diện biển Đông sau phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc.


GS Carl A. Thayer trả lời phỏng vấn PV báo Pháp Luật TP.HCM tại hội thảo quốc tế “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982” do ĐH Luật TP.HCM phối hợp cùng Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 23-7. Ảnh: NGÂN NGA

TQ buộc phải điều chỉnh kiểu hành xử

. Phóng viên: Thưa giáo sư, ngày 12-7 vừa qua, Tòa Trọng tài đã bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc (TQ) trong vùng biển mà họ áp đặt “đường chín đoạn”. Ông đánh giá phán quyết này đã có những tác động như thế nào đối với cục diện chính trị trên biển Đông?

+ GS Carl A. Thayer: Quyết định của Tòa Trọng tài đã có hiệu lực pháp lý, dù cho TQ có nói gì đi nữa thì phán quyết này cũng đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế. Vấn đề là hiện nay thế giới không có một cơ chế nào để đảm bảo thực thi các phán quyết này.

Tuy nhiên, các phán quyết này đã làm thay đổi mạnh mẽ những tranh luận về vấn đề biển Đông, đặc biệt là trước các học giả và quan chức TQ. Họ không còn có quyền để lên tiếng chỉ trích các nước khác và tuyên bố về “chủ quyền không thể chối cãi” của TQ trong vùng biển “đường chín đoạn”. Đường vẽ này đã hoàn toàn bị xóa khỏi bản đồ quốc tế. Nhờ có phán quyết của Tòa Trọng tài, chúng ta có thể thản nhiên quay lưng trước các lập luận này.

 
 

 

Vấn đề còn lại là thời gian. Sẽ phải mất một vài tháng nữa để TQ có thể “tiêu hóa” được toàn bộ các hàm ý của phán quyết, cũng như ý thức được mức độ mất thể diện mà họ có thể tiếp tục chịu đựng. TQ tự nhận mình là một quốc gia “trỗi dậy hòa bình”, thế nhưng lại đang đi rêu rao rằng luật pháp quốc tế không có ý nghĩa gì cả. TQ có thể bị chỉ trích là không khách quan trong cách hành xử của mình. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới TQ sẽ ít nhiều buộc phải điều chỉnh.

TQ phải trả giá bằng thể diện quốc gia

. Theo ông, các quốc gia trong khu vực có thể tạo ra các áp lực gì khiến TQ ý thức rõ hơn về những cái giá phải trả nếu họ tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế?

+ Tôi cho rằng các quốc gia khác cần phải chú trọng tạo áp lực lên phía TQ trên cả ba mặt trận ngoại giao, chính trị và cả chiến lược quân sự. Mọi hành động vi phạm luật pháp quốc tế của TQ cần được thống kê kỹ lưỡng và quyết liệt công bố cho cộng đồng quốc tế khiến cho TQ phải trả giá bằng thể diện quốc gia.

Các cường quốc bên ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ, cần đóng vai trò then chốt trong việc gây sức ép về mặt chiến lược quân sự, hay thậm chí là hỗ trợ sức mạnh hải quân nếu cần thiết.

Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế đã khiến diện tích biển có thể được tuyên bố chủ quyền bị thu hẹp lại đáng kể. Biển Đông giờ đây đã có một vùng biển quốc tế lớn hơn. Các lực lượng hải quân quốc tế cần phải đi qua những vùng biển này, bằng không sẽ gián tiếp chấp nhận rằng TQ vẫn có tuyên bố chủ quyền trên các khu vực đó.

Cá nhân tôi nghĩ rằng Mỹ đã chuyển đi rất rõ thông điệp này đến TQ và quốc tế, đặc biệt là sau các chuyến viếng thăm TQ thời gian qua của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice và tham mưu trưởng hải quân Mỹ Đô đốc John Richarson cũng như việc triển khai tàu sân bay và tàu chiến Mỹ đến khu vực.

Rút khỏi UNCLOS, TQ càng bị thiệt


Phán quyết của Tòa Trọng tài đã xóa sổ hoàn toàn cái gọi là ”đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ảnh: INTERNET

. TQ tiếp tục có những động thái tuyên truyền kích động trong nước, bác bỏ giá trị pháp lý phán quyết của Tòa Trọng tài. Liệu các tuyên bố này sẽ lại châm ngòi chủ nghĩa dân tộc khiến cho TQ có những hành động khó lường hơn trên biển Đông?

+ Những thành phần dân tộc chủ nghĩa tại TQ đang phản ứng bằng cách đòi chính phủ rút ra khỏi UNCLOS vì phán quyết không có lợi cho mình. Tuy nhiên, đa phần học giả TQ mà tôi gặp gỡ, mặc dù vẫn ủng hộ lập trường của chính phủ TQ, tuy nhiên vẫn thừa nhận rằng UNCLOS đã mang lại cho TQ rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, việc rút ra khỏi UNCLOS có thể đe dọa rất lớn đến các lợi ích của TQ trong các quy định về quyền khai thác khoáng sản đáy biển. Ngoài ra, sau cả một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ, cáo buộc Mỹ là một quốc gia “đạo đức giả” vì không tham gia vào UNCLOS, TQ sẽ không muốn tự đặt mình vào vị trí mà họ đã chỉ trích không tiếc lời bấy lâu nay.

Dẫu sao đi nữa, trái bóng giờ đang ở trên phần sân của TQ. Cách TQ hành xử hoặc khiêu khích trong thời gian sắp tới sẽ quyết định mức độ họ chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài. Điều này cũng sẽ quyết định các hành động của những quốc gia liên quan trong tương lai.

. Trước các diễn tiến nhiều chiều sau phán quyết biển Đông của Tòa Trọng tài, các quốc gia trong khu vực cần có các bước đi nào kế tiếp?

+ Trong giai đoạn hiện tại, tôi nghĩ chiến lược hợp lý cho đa số các nước là tạo cho TQ “một không gian để thở”, không nên có các hành động quá khiêu khích. Cần phải cho TQ một khoảng thời gian nhất định để họ cân nhắc xem liệu họ có sẵn sàng đối mặt với hết phiên tòa này đến phiên tòa khác hay không. Luôn có khả năng các quốc gia trong vấn đề biển Đông nối bước nhau kiện TQ ra tòa án quốc tế.

Đương nhiên TQ vẫn có thể mặc kệ các phiên tòa này. Tuy nhiên, nếu làm thế, TQ sẽ dần bị xa lánh bởi các quốc gia khác. Ngay cả các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Brunei, vốn được xem là có mối quan hệ khá đặc biệt với TQ, cũng đã cân nhắc khả năng kiện TQ. Tôi nghĩ rằng rủi ro các quốc gia khác trong khu vực tìm kiếm các giải pháp tài phán quốc tế sẽ buộc TQ phải xem xét điều chỉnh thái độ của mình trên biển Đông.

Bước đầu, ASEAN và TQ có thể cân nhắc lợi hại về mặt chính trị và cùng thảo luận chấp nhận thực thi một số điều trong phán quyết như bảo vệ môi trường biển, bảo tồn nguồn cá biển và điều chỉnh lại cách ứng xử của các tàu chấp pháp. Những động thái này có thể được thực hiện dưới danh nghĩa của Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) nhưng vẫn thể hiện được tinh thần trong phán quyết của Tòa Trọng tài.

. Xin cám ơn ông.

 

Chính sách đối ngoại của ông Tập bị cho là liên tiếp thất bại

Chia sẻ riêng với báo Pháp Luật TP.HCM, GS Carl A. Thayer cho biết có nhiều ý kiến nhận định chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình đang gặp “một chuỗi các thất bại liên tiếp”. Các ý kiến này được nêu ra trong một cuộc hội thảo tại Washington, tổ chức ngay sau khi phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế được công bố.

Cụ thể, thời gian qua, TQ cũng liên tục chỉ trích chủ nghĩa quân sự hóa tại Nhật Bản, thế nhưng Thủ tướng Shinzo Abe vẫn tiếp tục giành chiến thắng áp đảo. Nhà lãnh đạo Nhật Bản nhiều khả năng sẽ thay đổi được hiến pháp, cho phép can dự nhiều hơn vào các vấn đề an ninh và quốc phòng trong khu vực.

Ông Tập Cận Bình cũng đã khiến mối quan hệ với Philippines xấu đi khiến Manila tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản và Mỹ. Giờ đây tàu chiến Mỹ đã có thể xuất hiện và hoạt động tại biển Đông với tần suất cao hơn trước kia. Với phán quyết của Tòa Trọng tài, tân tổng thống Philippines dù đồng ý đối thoại song phương cũng không thể chấp nhận điều kiện của TQ, đòi “dẹp phán quyết sang một bên” thì mới nói chuyện.

GS Carl A. Thayer nhận định: “Bây giờ thì các đồng minh của TQ đang ở đâu? Dĩ nhiên không thể là tám quốc gia châu Phi vì chịu sức ảnh hưởng của TQ mà phản đối Tòa Trọng tài. Trong khi phía đối lập là những nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và còn có cả Nga đều cho rằng luật pháp quốc tế cần được tôn trọng. Ngay cả tại ASEAN, dù cho Campuchia có lập trường khác biệt thì chúng ta cũng không nên đánh giá thấp vai trò của những thành viên khác như Singapore, Indonesia và Malaysia cũng ủng hộ luật pháp quốc tế”.

Tác giả THANH DANH thực hiện -Nguồn: PLO

______________________

Hãy tăng thu nhập của bạn cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông .....
______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh,  thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chínhconsular legalization in Vietnam,  và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.66814111"

 

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê