Hình thức của hợp đồng - nhiều quy định chưa khả thi
Thứ 6, 10-03-2017 , 03:10:00 AM
Từ trước đến nay, trong thực tiễn việc một số tòa án khi xét xử tuyên hợp đồng thương mại hay hợp đồng tài chính vô hiệu vì không tuân thủ quy định hình thức đã gây khá nhiều tranh cãi. Chính vì thế, Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2017) đã đi theo hướng từng bước đơn giản hóa hình thức giao dịch. Nhưng vẫn còn đó một số quy định chưa thực sự khả thi.
“Cứu vãn” giao dịch vi phạm hình thức
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ quy định về việc hợp thức hóa hình thức giao dịch (bao gồm hợp đồng hay hành vi pháp lý đơn phương), thay vào đó là một số quy định mới được thiết kế nhằm “cứu vãn” giao dịch có nguy cơ vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. Theo quy định tại khoản 1, điều 129 của văn bản này, “giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó”.
Một số pháp luật chuyên ngành đặt ra yêu cầu hợp đồng phải có một số nội dung bắt buộc. Chẳng hạn, điều 141, Luật Xây dựng quy định hợp đồng xây dựng phải có ít nhất 14 nội dung như khối lượng công việc, yêu cầu kỹ thuật của công việc, thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng... Tương tự, theo điều 18, Luật Kinh doanh bất động sản, hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà hay công trình xây dựng phải có 12 nội dung gồm giá, phương thức và thời hạn thanh toán, thời hạn giao, nhận bất động sản...
Quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015 chính thức coi việc yêu cầu hợp đồng phải có một số nội dung bắt buộc là một điều kiện về mặt hình thức trong bối cảnh đây vẫn là một khoảng trống của pháp luật hiện hành. Cũng trên tinh thần này, khoản 2, điều 129, Bộ luật Dân sự nêu rõ “giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó và trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.
Tuy các quy định nói trên có vẻ mang tính đột phá nhưng dường như sẽ rất khó xác định thế nào là “hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch”. Cách tính tổng số nghĩa vụ trong giao dịch sau đó xem số lượng nghĩa vụ đã thực hiện là bao nhiêu sẽ không khả thi nếu như trong số các nghĩa vụ đó có những nghĩa vụ không phân chia được theo phần hoặc danh sách các nghĩa vụ mà hợp đồng nêu chỉ mang tính chất liệt kê và là danh sách mở.
Một số ý kiến cho rằng chỉ cần định lượng phần nghĩa vụ chính trong hợp đồng đã được thực hiện (chẳng hạn nghĩa vụ thanh toán của bên mua nhà hay nghĩa vụ giao một số lượng hàng hóa nhất định của bên bán hàng). Tuy vậy, có vẻ câu chữ của điều 129 không đưa lại một cách tiếp cận linh hoạt như vậy.
Các bên có thể tính đến việc quy định rõ cách tính “hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch” trong hợp đồng. Tuy vậy, sau đó, nếu một trong số các bên lại phản đối cách tính này thì cũng rất khó tiên lượng được liệu tòa án có chấp thuận thỏa thuận ban đầu của các bên hay không. Hơn nữa, trong cả hai trường hợp cứu giao dịch nêu trên đều phải có sự can thiệp của tòa án thì hiệu lực của giao dịch liên quan mới được thừa nhận. Trong bối cảnh thủ tục tố tụng tại tòa án chưa nhanh gọn như hiện nay thì lẽ ra có thể quy định việc hiệu lực của giao dịch được công nhận một cách tự động!
Bỏ quy định chấp thuận giao dịch?
Khoản 2, điều 119, Bộ luật Dân sự 2015 quy định “trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”. Quy định này đề cập trường hợp văn bản phải tuân theo một hình thức nhất định thì mới có hiệu lực đối với các bên. Chẳng hạn pháp luật đất đai đặt ra yêu cầu phải công chứng, chứng thực, đăng ký đối với một số hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất.
Quy định này không mới nhưng không biết vì sao trong danh sách này đã bỏ qua điều kiện “phải xin phép” được nêu trong điều 124, Bộ luật Dân sự 2005. Điều kiện phải xin phép có nghĩa là một số giao dịch phải có sự chấp thuận, đồng ý của một số chủ thể nhất định thì mới được thực hiện và mới có hiệu lực. Điển hình là pháp luật doanh nghiệp quy định một số hợp đồng có giá trị của công ty phải được hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông hay hội đồng quản trị thông qua.
Rất dễ nhận thấy có sự mâu thuẫn giữa Bộ luật Dân sự và pháp luật doanh nghiệp. Điều đáng nói là pháp luật doanh nghiệp không quy định liệu trong trường hợp giao dịch không được chấp thuận thì có bị vô hiệu hay không. Bởi về nguyên tắc, hệ quả của việc vi phạm hình thức thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự với tư cách là một bộ luật gốc. Đây là điều khá đáng tiếc và có thể sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan.
Tác giả: Ts Bùi Đức Giang (Nguồn: TBKTSG)
CÁC TIN LIÊN QUAN
-
Thay đổi trong thủ tục thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
-
Bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự bị vô hiệu trong dự thảo Bộ luật dân sự
-
Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở có điều kiện như thế nào?
-
Phần 2: Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và những vấn đề pháp lý
-
Tác phẩm văn học có được xem là tài sản chung của vợ chồng không?
-
Ba vấn đề cần cảnh báo trong việc công chứng hợp đồng ủy quyền
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê