Thứ hai,, 09-03-2015 , 04:20:00 AM

Hãy để chúng tôi chăm lo các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp giúp bạn
****************

Dự thảo BLDS sửa đổi có một quy định mới được nhiều người đồng tình là bỏ thời hiệu khởi kiện tranh chấp dân sự. Thay vì từ chối, tòa vẫn phải thụ lý, giải quyết và tuyên bố đương sự được hưởng quyền dân sự hay miễn trừ nghĩa vụ dân sự…

Tháng 11-1993, ông NVC (ngụ huyện Cần Giờ, TP.HCM) chuyển nhượng cho ông TVB một mảnh đất. Thỏa thuận xong, ông C. nhận cọc của ông B. là ba chỉ vàng SJC.

Mất quyền khởi kiện

Tuy nhiên, việc mua bán đất đã không thành khi vợ ông C. phát hiện chồng mình tự ý bán đất. Bà này đã yêu cầu chồng dừng việc mua bán và trả lại ba chỉ vàng SJC đặt cọc cho ông B.

Ông B. không đồng ý nhưng cũng không kiện ngay mà mãi đến tháng 10-2000 mới nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện Cần Giờ yêu cầu tòa buộc vợ chồng ông C. phải tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất. Sau đó, TAND huyện Cần Giờ đã ra quyết định đình chỉ vụ án do hết thời hiệu khởi kiện (hai năm kể từ ngày hai bên phát sinh tranh chấp). Sau khi ông B. kháng cáo, TAND TP.HCM cũng xác định việc đình chỉ của tòa cấp sơ thẩm là đúng. Thế là ông B. mất quyền khởi kiện, đành ngậm ngùi ôm đơn quay về nhà.

Bỏ thời hiệu là đúng

Trên thực tế rất nhiều trường hợp như ông B. vì một lý do nào đó mà để hết thời hiệu khởi kiện nên không thể nhờ tòa giải quyết tranh chấp.

Tại hội nghị triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLDS sửa đổi do UBND TP.HCM tổ chức sáng 5-3, TS Bùi Minh Hồng (Trưởng phòng Pháp luật dân sự Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) cho biết quy định mới trong dự thảo sẽ bảo vệ quyền lợi cho những người như ông B. nói trên.

Người dân chuẩn bị hồ sơ khởi kiện dân sự tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Cụ thể, dự thảo đã bỏ hẳn thời hiệu khởi kiện vì thực tế cho thấy nó gây nhiều trở ngại cho người dân. Dự thảo chỉ quy định hai loại thời hiệu là thời hiệu hưởng quyền và miễn trừ nghĩa vụ dân sự (nhiều nước trên thế giới cũng quy định tương tự). Theo đó cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa giải quyết vụ, việc dân sự trong một thời hạn luật định; nếu hết thời hạn đó họ mới yêu cầu thì tòa vẫn phải thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

Theo TS Hồng, quy định này tạo công cụ pháp lý tốt hơn để tòa bảo vệ các quyền dân sự của tổ chức, cá nhân. Bởi khi bị tòa từ chối thụ lý, giải quyết tranh chấp vì hết thời hiệu, các đương sự có thể “tự xử” bằng những biện pháp ngoài vòng pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Nhiều ý kiến trong hội thảo cũng đồng tình vì việc bỏ hẳn thời hiệu khởi kiện sẽ hạn chế được tình trạng tòa từ chối giải quyết yêu cầu của người dân. Thay vào đó, tòa sẽ phải làm hết sức để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.

Kiện chia di sản: Thời hiệu nào hợp lý?

Liên quan đến chuyện thời hiệu, TS Lê Minh Hùng (Trường ĐH Luật TP.HCM) đã kể lại một trường hợp vướng mắc về tài sản thừa kế mà BLDS 2005 không giải quyết được.

Số là ông A. chết năm 1990. Vợ ông quản lý tài sản gia đình, đến năm 2013 (23 năm sau) thì bà mất. Sau đó, hai người con thứ và út của ông A. khởi kiện yêu cầu người anh cả (đang quản lý khối di sản của cha mẹ) chia thừa kế. Nhưng tòa chỉ chấp nhận phân chia phần di sản của người mẹ, từ chối phân chia phần di sản của ông A. với lý do hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế (10 năm). Cuối cùng, phần di sản ông A. để lại vẫn “treo lơ lửng”.

Về thời hiện khởi kiện chia thừa kế, dự thảo BLDS sửa đổi phân làm hai trường hợp: 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản. Nếu hết thời hạn trên thì di sản thuộc về người đang quản lý.

TS Hùng nhận xét quy định trên tuy phù hợp với thực tế hơn song lại phát sinh bất cập mới. Bởi lẽ trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện, việc xác lập quyền sở hữu di sản giữa người thừa kế hợp pháp đang quản lý di sản với người chiếm hữu di sản không có căn cứ hoàn toàn không có gì khác nhau. Rồi thời hạn 30 năm đối với bất động sản là quá dài, khó phân chia khi di sản có thể đã “trộn lẫn” vào tài sản riêng của người đang quản lý. Những tác động của thời gian cũng có thể khiến việc xác định giá trị của hoa lợi, lợi tức gặp khó khăn.

Ngoài ra, việc kéo dài thời hạn cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề nếu các đương sự không khởi kiện. Ví dụ trường hợp ông A. nói trên, khi vợ ông còn sống thì hai người con thứ và út không dám khởi kiện đòi chia phần di sản của ông A. vì có thể truyền thống gia đình, tình cảm… không cho phép họ làm điều đó.

Từ đó, TS Hùng đề nghị nên giữ thời hiệu 10 năm như hiện hành nhưng nên giải quyết rõ hậu quả pháp lý trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện. Theo đó, nếu người đang quản lý di sản chiếm hữu không hợp pháp thì di sản được coi là tài sản chung, các đồng thừa kế có quyền khởi kiện yêu cầu tòa chia. Còn nếu người đang quản lý di sản là người chiếm hữu ngay tình thì họ được xác lập quyền sở hữu sau 10 năm (đối với động sản), sau 30 năm (đối với bất động sản) kể từ lúc chiếm hữu ngay tình. Nếu chưa đủ thời hạn này thì di sản được coi là tài sản chung, các đồng thừa kế có quyền khởi kiện yêu cầu tòa chia.

Đồng tình, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói không thể “dễ dãi” quy định luôn là hết thời hiệu khởi kiện thì di sản thuộc về người đang trực tiếp quản lý.

Không tính thời hiệu chia di sản?

BLDS 2005 đang gộp chung hai loại tranh chấp là tranh chấp chia di sản và tranh chấp về việc xác định người có quyền thừa kế để tính thời hiệu khởi kiện chung 10 năm là chưa hợp lý, cần tách ra. Dự thảo nên quy định rõ nếu tranh chấp về việc xác định người có quyền thừa kế thì thời hiệu khởi kiện là 10 năm. Còn nếu tranh chấp chia di sản thừa kế hoặc chia tài sản chung thì không có thời hiệu, các đồng thừa kế muốn chia lúc nào thì chia, không thống nhất thì có quyền khởi kiện.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê