Đầu năm 2012, một công ty đã khởi kiện yêu cầu TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) buộc bà L. phải trả lại gần 250.000 USD tiền cọc thuê nhà. Lý do công ty đưa ra là hợp đồng thuê nhà giữa hai bên vi phạm quy định về ngoại hối, có thời hạn 15 năm nhưng không công chứng. Đây là các vi phạm về hình thức khiến hợp đồng vô hiệu.
Tòa tuyên vô hiệu
Ra tòa, bà L. cho biết giá trong hợp đồng thuê nhà được ghi bằng USD chỉ nhằm bảo đảm giá trị hợp đồng trong suốt thời gian thuê và sẽ được quy đổi theo tỉ giá của Ngân hàng Ngoại thương tại thời điểm thanh toán. Thực tế mỗi khi thanh toán, công ty đều trả bằng tiền đồng Việt Nam, thậm chí trước đó đưa tiền cọc cũng bằng tiền Việt.
Cũng theo bà L., điểm b khoản 3 Mục I Nghị quyết 04/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có hướng dẫn: “Trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên thỏa thuận sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền định giá (để bảo đảm ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng nếu việc thanh toán là bằng đồng Việt Nam thì hợp đồng kinh tế đó không bị coi là vô hiệu toàn bộ”. Vì thế bà L. cho rằng hợp đồng trên không vô hiệu về nội dung quy định giá thanh toán bằng USD.
Nhiều ý kiến nhất trí với quy định mới bởi bảo đảm sự ổn định của giao dịch và quyền lợi của các bên liên quan trong hợp đồng. Ảnh minh họa: HTD
Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thạnh nhận định do hợp đồng trên đã không tuân thủ hình thức, không công chứng hoặc chứng thực nên vô hiệu và bà L. phải trả lại gần 250.000 USD tiền cọc cho công ty (quy ra tiền Việt).
Bà L. kháng cáo, cho rằng tòa sơ thẩm thiếu sót khi không buộc các bên khắc phục vi phạm về hình thức của hợp đồng trước mà lại giải quyết vô hiệu ngay. Bởi theo Điều 134 BLDS 2005, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn. Nếu quá thời hạn đó mà các bên không thực hiện thì giao dịch mới vô hiệu.
Hai trường hợp không vô hiệu
Những trường hợp mà giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức như bà L. đã được khoản 1 Điều 145 dự thảo BLDS (sửa đổi) điều chỉnh theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn quy định hiện hành.
Theo đó, nếu luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự mà hình thức đó không được tuân thủ thì giao dịch đó bị vô hiệu, trừ hai trường hợp sau:
Thứ nhất là trường hợp việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch đó.
Thứ hai là trường hợp chủ thể chưa chuyển giao tài sản hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa cho phép thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự trong một thời hạn hợp lý. Quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch dân sự đó mới bị xem là vô hiệu.
Tiến bộ hơn nhiều!
Trong báo cáo rà soát bước đầu về dự thảo BLDS (sửa đổi), Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết nhiều ý kiến nhất trí với quy định mới bởi bảo đảm sự ổn định của giao dịch, không phá vỡ quan hệ hợp đồng một cách tùy tiện, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan. Ngược lại, cũng có số ít ý kiến đề nghị tiếp tục giữ quy định hiện hành bởi việc bắt buộc các bên phải tuân thủ hình thức của giao dịch nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước...
Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một thẩm phán chuyên xử án dân sự ở TAND TP.HCM nhận xét quy định mới tiến bộ hơn nhiều bởi đã phân định rõ nếu giao dịch dân sự vi phạm hình thức nhưng không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và các chủ thể đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc thì không vô hiệu. Về mặt kỹ thuật lập pháp, đây là dạng quy định theo kiểu loại trừ rất hay và khoa học. Về nội dung, nó hướng tới sự ổn định trong giao dịch dân sự khi các bên đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc theo thỏa thuận, tránh trường hợp một bên cố tình lợi dụng để bội ước.
Tòa phải xem xét kỹ hơn Dự thảo khắc phục được lỗ hổng chưa cụ thể, còn chung chung của quy định hiện hành, hình thành cơ chế mới để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia giao dịch. Nếu như trước đây, tòa có thể tuyên rất nhiều giao dịch vô hiệu chỉ vì không tuân thủ hình thức thì nay với quy định mới, tòa sẽ phải xem xét kỹ hơn. Trách nhiệm của các bên trong việc khắc phục hình thức của giao dịch cũng thể hiện rõ. Nếu vi phạm về hình thức nhưng không nhằm trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của đương sự, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục với giao dịch đó. Nếu vi phạm nhưng tài sản đã chuyển giao hoặc xong nghĩa vụ thì tòa cho phép thực hiện trong một thời hạn, nếu không làm mới coi là vô hiệu. Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phù hợp nhiều quy định sửa đổi khác Quy định sửa đổi đảm bảo quyền lợi cho bên thứ ba ngay tình (giao dịch không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác). Nó còn phù hợp với quy định sửa đổi của dự thảo về thời điểm xác lập quyền sở hữu với bất động sản, động sản kể từ thời điểm đăng ký. Thực tiễn cho thấy nhiều người dân thiếu hiểu biết pháp luật nên không để ý đến chuyện hình thức của giao dịch. Do nhu cầu bắt buộc, họ phải thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản và đã chuyển giao xong thì pháp luật nên bảo vệ họ. Chẳng hạn người lao động nhập cư do điều kiện bức bách về chỗ ở, dành dụm mua được một căn nhà ở TP để cắm dùi. Tuy việc mua bán không qua công chứng nhưng nếu họ đã sống ổn định thì khi đánh giá, tòa cũng cần phải xem xét kỹ. Luật sư PHẠM MINH TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM |