Giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự
Thứ 7,, 28-07-2018 , 07:10:00 AM
Ngày 12,13 và 14 tháng 5 2016, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn cho các Thẩm phán, công chức Tòa án về Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua. Hội nghị đã được nghe giới thiệu những nội dung cơ bản và những điểm mới của các bộ luật, luật; trao đổi, giải đáp một số vướng mắc liên quan đến các quy định của các bộ luật, luật.
Ngày 12,13 và 14-5-2016, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn cho các Thẩm phán, công chức Tòa án về Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua. Hội nghị đã được nghe giới thiệu những nội dung cơ bản và những điểm mới của các bộ luật, luật; trao đổi, giải đáp một số vướng mắc liên quan đến các quy định của các bộ luật, luật. Tòa án nhân dân tối cao đã bước đầu tổng hợp kết quả giải đáp một số vướng mắc tại Hội nghị tập huấn liên quan đến các quy định mới của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự (dưới đây viết tắt lần lượt là BLHS, BLTTHS, BLDS, BLTTDS), cụ thể như sau: I. Giải đáp vướng mắc liên quan đến các quy định của BLHS 1. Việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp khi phạm tội và bị kết án lần thứ nhất người bị kết án là người chưa thành niên, nhưng khi phạm tội và bị kết án lần thứ hai thì người bị kết án là người đã thành niên được thực hiện như thế nào? Việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp khi phạm tội và bị kết án lần thứ nhất người bị kết án là người chưa thành niên, khi phạm tội và bị kết án lần thứ hai thì người bị kết án là người đã thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015 (Điều 51 BLHS năm 1999) như đối với trường hợp người đã đủ 18 tuổi. 2. Việc giải quyết các vụ án buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu hiện nay được thực hiện như thế nào? Theo quy định của Luật thương mại năm 2005 và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật thương mại năm 2005 thì pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm, còn theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 thì “các loại pháo” và “các sản phẩm thuốc lá” thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do có sự không thống nhất của các quy định nêu trên nên trong thời gian vừa qua các Tòa án gặp vướng mắc khi giải quyết các vụ án liên quan đến pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu. Để tháo gỡ vướng mắc này, căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 74 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao đã gửi hồ sơ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích quy định của các văn bản nêu trên, làm cơ sở để giải quyết các vụ án. Trong khi chưa có giải thích của Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc giải quyết các vụ án liên quan đến pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu tiếp tục được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 06/TANDTC-PC ngày 26-01-2016 của Tòa án nhân dân tối cao. Quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao là các vi phạm về trật tự quản lý kinh tế cần được tăng cường xử lý bằng hình phạt tiền và các chế tài khác về kinh tế để đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý các vi phạm này. 3. Việc xử lý các hành vi mà theo quy định của BLHS năm 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của BLHS năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm đó (ví dụ hành vi đánh bạc dưới 05 triệu đồng; hành vi tàng trữ trái phép dưới 0,1 gam hêrôin) được thực hiện như thế nào? Nội dung này đã được quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội (trong đó có nội dung thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 của BLHS năm 2015 kể từ ngày 01-7-2016) và được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. 4. Tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền thu trên chiếu bạc dưới 5 triệu đồng có bị xử lý hình sự không? Theo quy định tại Điều 249 BLHS năm 1999 và hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phạm tội Tổ chức đánh bạc thuộc trường hợp “với quy mô lớn” nếu: “a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên...;”. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 thì: “1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho từ 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc...;”. Như vậy, cấu thành tội phạm của tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại Điều 322 BLHS năm 2015 không thay đổi so với Điều 249 BLHS năm 1999. Do đó, người thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền thu trên chiếu bạc dưới 05 triệu đồng thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức đánh bạc”. 5. Quy định “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng... đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được hiểu và áp dụng như thế nào? Điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định: “1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng... đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;...” So với BLHS năm 1999 thì đây là trường hợp điều luật bổ sung theo hướng bất lợi cho người phạm tội. Vì vậy, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015 và khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội thì quy định này không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu lực. Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 được ban hành nếu quy định nêu trên được giữ nguyên, việc xác định thế nào là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả sẽ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết bằng Nghị quyết. II. Giải đáp vướng mắc liên quan đến các quy định của BLTTHS 1. Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì: “khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của BLTTHS”. Vậy, trong vụ án hình sự, Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trong những trường hợp nào? Việc Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ được quy định cụ thể tại Điều 252 BLTTHS năm 2015. Theo đó, để xác định sự thật khách quan của vụ án, Tòa án thực hiện một trong các hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ quy định tại Điều này; trong đó có quy định trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được, nếu Tòa án xét thấy cần thiết thì có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới đây. 2. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự việc xác định người đại diện hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như thế nào? Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 BLDS năm 2015 thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi). Do đó, Tòa án có thể xác định cha hoặc mẹ của người chưa đủ 18 tuổi là người đại diện tham gia tố tụng. Tuy nhiên, việc xác định người đại diện tham gia tố tụng cho người chưa đủ 18 tuổi phải bảo đảm nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” quy định tại khoản 1 Điều 414 BLTTHS năm 2015. Do vậy, trường hợp có căn cứ cho rằng việc xác định cha, mẹ của người chưa đủ 18 tuổi là người đại diện tham gia tố tụng không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa đủ 18 tuổi thì Tòa án có thể xác định người thân thích khác của người chưa đủ 18 tuổi (như anh, chị ruột) có đủ điều kiện làm người giám hộ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người chưa đủ 18 tuổi. Việc xác định người đại diện tham gia tố tụng trong trường hợp này phải căn cứ vào quy định tại các điều 48, 49 và 136 BLDS năm 2015. 3. Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Viện trưởng Viện kiểm sát có được kháng nghị đối với Quyết định của Tòa án về việc trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố không? Khoản 1 Điều 274 BLTTHS năm 2015 về chuyển vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử quy định: “1. Khi vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát đã truy tố phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố để giải quyết theo thẩm quyền. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu thực hiện theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật này. Khi xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 của Bộ luật này. Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền”. Theo quy định nêu trên thì khi xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình, Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố. Nếu Viện kiểm sát thấy việc chuyển vụ án chưa đúng thẩm quyền thì chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do. Trường hợp xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử được thực hiện theo Điều 275 BLTTHS năm 2015. Trong trường hợp này, Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền mà không được kháng nghị đối với quyết định của Tòa án về việc trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố. 4. Trong vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy, Kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh thể hiện: “03 gói nhỏ bên trong có chất bột màu trắng thu giữ của Nguyễn Văn A gửi đến giám định có trọng lượng 0,122 gam là Hêrôin”. Vậy Tòa án có cần phải trưng cầu giám định hàm lượng nữa không hay đưa vụ án ra xét xử? Trong các vụ án tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, nếu Kết luận giám định đã khẳng định: “03 gói nhỏ bên trong có chất bột màu trắng thu giữ của Nguyễn Văn A gửi đến giám định có trọng lượng 0,122 gam là Hêrôin” thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử, mà không phải giám định hàm lượng nữa. Việc giám định hàm lượng chỉ đặt ra nếu Kết luận giám định thể hiện chất thu giữ là chế phẩm hoặc có chứa thành phầnHêrôin, bởi giám định hàm lượng trong trường hợp này cũng chỉ nhằm xác định đúng trọng lượng (khối lượng) chất ma túy, làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo đúng quy định của BLHS, bảo đảm đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật ...”. |
Theo Tòa án nhân dân tối cao
______________________
Hãy tăng thu nhập của bạn cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông .....
______________________
"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ công chứng chứng thực, Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chính, Dịch vụ hợp pháp hóa lãnh sự (consular legalization in Vietnam), và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 024.66814111".
CÁC TIN LIÊN QUAN
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê