Thứ sáu, 12-08-2016 , 02:49:00 PM

Tỉ lệ thương tật 6% không được cấp sơ thẩm truy tố, xét xử vì chưa xác định được có phải do bị cáo gây ra hay không nhưng cấp phúc thẩm lại cho rằng bị cáo gây thương tích 13% và chuyển khung hình phạt 

Sau khi TAND TP HCM xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” và tăng mức phạt từ 9 tháng lên 4 năm tù đối với bị cáo Mai Thị Ngọc Vân, dư luận đã dấy lên nhiều câu hỏi. Đặc biệt, cấp phúc thẩm lấy lý do vết thương trên lưng của người bị hại có tỉ lệ thương tật 6% không phải do bị hại tự gây ra nên bị cáo phải chịu trách nhiệm (tổng cộng 13%), để rồi từ đó chuyển khung hình phạt từ khoản 1 sang khoản 2, điều 104 Bộ Luật Hình sự (BLHS) và tăng mức hình phạt. Theo tôi, nhiều tình tiết cấp phúc thẩm áp dụng có dấu hiệu chưa đúng với tinh thần pháp luật.

Chưa thỏa đáng, khiên cưỡng

Bản án phúc thẩm áp dụng tình tiết định khung “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” đối với bà Vân là chưa phù hợp tinh thần của Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP (Nghị quyết 01) ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 1999.

Bị cáo Mai Thị Ngọc Vân tại phiên tòa phúc thẩm TAND TP HCM Ảnh: Phạm Dũng
Bị cáo Mai Thị Ngọc Vân tại phiên tòa phúc thẩm TAND TP HCM Ảnh: Phạm Dũng

Tiểu mục 3.2 Nghị quyết 01 hướng dẫn: Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” của điểm c, khoản 1, điều 104 để xét xử ở khoản 2, điều 104 BLHS khi có ít nhất 2 lần có tỉ lệ thương tật từ 11%-30%. Nếu “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” mà trong các lần đó, chỉ có 1 lần có tỉ lệ thương tật từ 11%-30% thì vẫn phải áp dụng khoản 1, điều 104 BLHS. Bị cáo Vân gây thương tích cho 2 người nhưng cả hai không ai có tỉ lệ thương tật từ 11%-30% nên không thể áp dụng khoản 2, điều 104 BLHS. Kể cả trong trường hợp tòa cấp phúc thẩm xác định người bị hại Trung có tỉ lệ thương tật 13% cũng không đủ điều kiện áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người”.

Vượt quá thẩm quyền xét xử phúc thẩm?

Cáo trạng của VKSND quận Tân Bình và bản án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình thể hiện người bị hại Trung bị thương tật 13%, trong đó có vết thương ở lưng tỉ lệ thương tật 6% không xác định được do ai gây ra. Bản thân ông Trung cũng khai không xác định được ai là người gây ra. Vì vậy, cáo trạng chỉ truy tố bà Vân gây thương tích cho ông Trung 7%. Đối với tỉ lệ thương tật 6% cáo trạng không truy tố, bản án sơ thẩm cũng không xem xét, giải quyết. Điều đó có nghĩa cấp phúc thẩm không thể xem xét, giải quyết. Nếu tòa cấp phúc thẩm cho rằng có căn cứ xác định vết thương trên lưng ông Trung là do bà Vân gây ra thì phải hủy án để điều tra, xét xử lại chứ không thể tự mình đưa vào một hành vi mà cấp sơ thẩm chưa giải quyết để kết tội bị cáo. Làm như vậy là vi phạm nguyên tắc thực hiện chế độ 2 cấp xét xử (điều 20 Bộ Luật Tố tụng hình sự).

Suy đoán bất lợi cho bị cáo

Bản án phúc thẩm lập luận vết thương trên lưng ông Trung theo nguyên tắc loại trừ “bị hại không tự gây ra thì bị cáo phải chịu trách nhiệm”. Suy đoán này đi ngược với “nguyên tắc suy đoán vô tội”, một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.

Từ việc bỏ qua một số nguyên tắc cơ bản của Bộ Luật Tố tụng hình sự dẫn đến tuyên mức án nặng hơn rất nhiều so với mức án của cấp sơ thẩm là ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Mặt khác, tại phiên tòa, VKSND TP HCM đã phát hiện cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (biên bản nghị án ghi sai tội danh bị cáo) nên đã yêu cầu hủy án. Biên bản nghị án là cơ sở để HĐXX tuyên án và quyết định hình phạt nên sai sót này là hết sức nghiêm trọng. Thế nhưng, cấp phúc thẩm lại cho rằng không nghiêm trọng nên không hủy án.

Với bản án có một số “bất ổn”, thiết nghĩ VKSND Cấp cao và TAND Cấp cao tại TP HCM cần xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để bảo đảm việc áp dụng pháp luật được chính xác, đúng pháp luật.

 

Nhận tiền chạy án, một thư ký tòa bị bắt

Ngày 11-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau cho biết vừa bắt tạm giam đối với Hứa Minh Cảnh, thư ký TAND tỉnh Cà Mau, để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Theo hồ sơ, năm 2015, một đương sự ở huyện Cái Nước (Cà Mau) có đơn tố cáo ông Cảnh ép đưa 40 triệu đồng để chạy án trong vụ tranh chấp đất đai. Do đương sự không có đủ tiền nên Cảnh nhận 25 triệu đồng.

Do người này bị xử thua kiện, ông Cảnh phải mang số tiền đã nhận trả lại. Nhận thấy ông Cảnh có dấu hiệu phạm tội hình sự, TAND tỉnh Cà Mau đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau.D.Nhân

 

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê