Thứ năm,, 01-07-2015 , 03:11:00 PM

Ngày 26 tháng11 năm 2014, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Doanh nghiệp 2014, Luật này bắt đầu có hiệu lực kể từ 01/7/2015. Luật Doanh nghiệp năm 2014 có rất nhiều những điểm mới so với Luật doanh nghiệp năm 2005. Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 2014 hướng tới sự phù hợp với thực tế kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp và tháo gỡ nhiều khó khăn, hạn chế góp phần tạo điều kiện mở ra một môi trường kinh doanh thuận lợi phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Dưới đây, Công ty Luật Á Đông tổng hợp những điểm mới cơ bản thiết thực với doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau: 

 

1.       Trong quá trình gia nhập thị trường

Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, chuyển hoàn toàn từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005, đối với doanh nghiệp khi kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh hoặc nghị định đòi hỏi phải có vốn pháp định hoặc chứng chỉ hành nghề, thì doanh nghiệp đó chỉ được đăng ký kinh doanh để thành lập doanh nghiệp khi có đủ vốn pháp định hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp về bản chất là việc ghi nhận sự ra đời, công nhận về mặt pháp lý sự xuất hiện của doanh nghiệp trên thị trường. Các yêu cầu về vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề chỉ nên được coi là điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp được hoạt động. Quy định như Luật hiện hành đã tỏ ra không hợp lý, không có hiệu lực quản lý nhà nước, gây ra khó khăn, tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư khi thành lập mới doanh nghiệp.

Do vậy, việc bỏ yêu cầu về các điều kiện kinh doanh nêu trên tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp. Theo đó, tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành

Với quy định này, Luật Doanh nghiệp 2014 đã chuyển cơ chế đăng ký thành lập doanh nghiệp từ “tiền kiểm” hoàn toàn sang “hậu kiểm”.

Thứ hai, Luật Doanh nghiệp 2014 đã tách bạch thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp với các thủ tục về đăng ký đầu tư.

Theo Luật Đầu tư 2005, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế; Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quy định về Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng trên thực tế đã dẫn đến rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư bởi đây là hai loại giấy tờ hoàn toàn khác nhau về bản chất pháp lý.

Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, Luật Đầu tư 2014 đã tách bạch thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, sau khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh như nhà đầu tư trong nước.

Quy định này đã phân biệt rõ địa vị pháp lý của pháp nhân và của hoạt động đầu tư cụ thể, đồng thời, giảm phiền hà cho nhà đầu tư khi thực hiện điều chỉnh các thông tin liên quan đến pháp nhân trong quá trình hoạt động.

Thứ ba, Luật Doanh nghiệp 2014 đã giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian gia nhập thị trường cho doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là 5 ngày làm việc, trong đó, 2 ngày để cơ quan thuế cấp mã số doanh nghiệp, 3 ngày để cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận, xử lý hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Với cơ chế này, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải phụ thuộc vào việc chờ cấp Mã số doanh nghiệp từ Cơ quan thuế, làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường, Luật Doanh nghiệp 2014 đã giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp xuống còn 3 ngày làm việc. Để hiện thực hóa quy định nêu trên, hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về việc trao đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và thông tin về báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, Hệ thống đăng ký thuế sẽ tự động tạo mã số thuế mà không cần sự kiểm tra, xem xét của cán bộ đăng ký thuế.

Thứ tư, Luật Doanh nghiệp 2014 đã trao việc quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu cho doanh nghiệp.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định số 58/2001/NĐ-CP thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn hoạt động phải xin phép khắc dấu và phải được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý cho khắc dấu và cấp giấy đăng ký mẫu dấu.

Để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi khởi sự kinh doanh, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp mới đã chuyển quyền quyết định nêu trên về cho doanh nghiệp. Cụ thể, Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Với quy định này, con dấu của doanh nghiệp chỉ mang tính chất là dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp, do doanh nghiệp tự thiết kế. Quy định này sẽ công nhận quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có việc công nhận quyền tự sáng tạo mẫu dấu của doanh nghiệp; Nhà nước cũng không hướng tới việc quản lý chặt chẽ đối với con dấu như quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định về lưu giữ và quản lý con dấu. Theo đó, thay vì quy định cứng như trong Luật Doanh nghiệp 2005 là phải lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép Điều lệ công ty quy định việcquản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu.

Cải cách này sẽ giảm bớt rất nhiều sự vướng mắc trong sử dụng con dấu ở ngoài trụ sở chính của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Người đại diện theo pháp luật có thể mang con dấu đi bất kỳ địa điểm nào để tiện cho việc quản lý và sử dụng, mà không lo đã làm trái quy định như hiện nay
Thứ năm, qui định về việc giảm vốn của Công ty TNHH một thành viên:Theo qui định của Luật Doanh nghiệp 2014 Công ty TNHH một thành viên được phép giảm vốn điều lệ
Thứ sáu, qui định về tỷ lệ họp Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần: Luật Doanh nghiệp 2014 chính thức thay đổi theo đúng thông lệ quốc tế khi giảm tỷ lệ dự họp từ 65% (Luật doanh nghiệp 2005  xuống còn 51%. Khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết là cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành. Đồng thời, Luật quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập, không tham gia điều hành trực tiếp doanh nghiệp; Bãi bỏ việc Đại hội đồng cổ đông bầu trực tiếp Chủ tịch hội đồng quản trị.

Thứ bảy, Qui định về việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp: Luật Doanh nghiệp 2014 không yêu cầu các công ty cùng loại mới được hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đồng thời quy định rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như trình tự thủ tục, hồ sơ .v.v.
Thứ tám, bãi bỏ nhiều điều khoản thiếu tính thực thi và cản trở hoạt động của doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2014 Bãi bỏ nhiều điều khoản thiếu tính thực thi và cản trở hoạt động của doanh nghiệp như: đăng ký danh sách cổ đông nắm giữ 5% vốn điều lệ công ty cổ phần, hoặc bãi bỏ việc gây cản trở cho hoạt động của Doanh nghiệp như cấm một người đã làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) công ty cổ phần không được làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) các loại hình doanh nghiệp khác. 

2.       Trong quá trình hoạt động kinh doanh

Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bãi bỏ nội dung về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005, doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; trường hợp muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh thì ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định như Luật Doanh nghiệp hiện hành đã không còn phù hợp khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 đã mở rộng hơn nữa quyền tự do kinh doanh. Theo đó Điều 33 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Để thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh quy định tại Điều 33 Hiến pháp, Luật đã chuyển từ nguyên tắc tự do kinh doanh những gì ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sang nguyên tắc tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm thông qua việc bỏ nội dung về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quy định như vậy không những giảm đáng kể chi phí tuân thủ thực hiện thủ tục hành chính mà còn nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, Luật Doanh nghiệp 2014 đã thống nhất cách hiểu về vốn điều lệ công ty và thời hạn thực hiện góp vốn điều lệ.

Phải thừa nhận rằng, cùng một khái niệm về vốn nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản hướng dẫn lại sử dụng các thuật ngữ khác nhau. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp hiện hành sử dụng thuật ngữ “cổ phần được quyền chào bán”; trong khi đó, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp lại sử dụng thuật ngữ “cổ phần đã phát hành”, “cổ phần được quyền phát hành”. Đồng thời, bản chất vốn điều lệ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp là vốn đăng ký hay vốn cam kết góp đã gây ra những tác động không mong muốn như: nhầm lẫn về cơ cấu sở hữu thực tế trong doanh nghiệp, tranh chấp không đáng có trong nội bộ công ty... Ngoài ra, thời hạn để thực hiện việc góp vốn đối với các loại hình doanh nghiệp là không thống nhất. Đối với loại hình công ty cổ phần, người tham gia góp vốn có thời hạn 90 ngày để hoàn thành việc góp vốn; trong khi đó, thời hạn này đối với loại hình trách nhiệm hữu hạn là 36 tháng.

Để giải quyết bài toán nêu trên, khái niệm vốn điều lệ trong Luật lần này đã được thay đổi căn bản là vốn thực góp. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp lúc mới thành lập, Luật đã quy định tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ là vốn mà các thành viên, cổ đông cam kết góp/đăng ký mua vào công ty; thành viên, cổ đông phải thanh toán phần vốn góp, số cổ phần cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết/đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu sau thời hạn nêu trên mà thành viên, cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết góp/đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị thực góp. Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn 90 ngày nêu trên.

Thứ ba, Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có hơn một người đại diện theo pháp luật.

Quy định này nhằm hướng tới việc tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật cho mình trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, đây là một trong những nội dung thay đổi cơ bản so với Luật Doanh nghiệp năm 2005 (công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần chỉ có duy nhất một người đại diện theo pháp luật). Đứng dưới khía cạnh đảm bảo quyền tự do kinh doanh, đây là một quy định mang tính đột phá trong việc cho doanh nghiệp toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hội nhập nhanh hơn, tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật. Đồng thời, quy định này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện duy nhất của doanh nghiệp bất hợp tác, không thực hiện các yêu cầu của thành viên/cổ đông trong quá trình quản lý điều hành doanh nghiệp trong nội bộ cũng như giao dịch với bên ngoài công ty. Bằng cách có nhiều hơn 1 người đại diện, sự lạm quyền, bất hợp tác như đã nói trên sẽ bị vô hiệu hóa.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Nếu hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác, người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc, hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Đây là điểm mới, tiến bộ của Luật Doanh nghiệp 2014 khi đưa ra cơ chế giải quyết trong trường hợp người đại diện theo pháp luật thường xuyên vắng mặt tại Việt Nam.

3.       Trong quá trình tổ chức lại, rút lui khỏi thị trường

Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp 2014 đã mở rộng các đối tượng được quyền hợp nhất, chia, tách, sáp nhập công ty.

Theo quy định hiện hành, việc hợp nhất, chia, tách, sáp nhập chỉ áp dụng đối với các công ty cùng loại. Quy định nêu trên đã không còn phù hợp với thực tế, đang hạn chế và cản trở việc tổ chức lại hay mở rộng kinh doanh theo cách thức hợp nhất, chia, tách, sáp nhập công ty, làm giảm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Do vậy, Luật đã cho phép các công ty khác loại hình có thể hợp nhất, chia, tách, sáp nhập. Ngoài ra, Luật cũng đã bổ sung thêm quy định hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục về phương thức hợp nhất, chia, tách, sáp nhập và đăng ký lại sau khi hợp nhất, chia, tách, sáp nhập công ty.

Thứ hai, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rõ hơn và hợp lý hơn về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Điều này tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tổng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2011, 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 53,9 ngàn, 54,2 ngàn, 60,7 ngàn và 67,8 ngàn doanh nghiệp. Do vậy, song song với việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký gia nhập thị trường của doanh nghiệp, việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký rút khỏi thị trường của doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm đúng mức. Điều này sẽ góp phần hạn chế tình trạng bức xúc của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua về các vấn đề như: doanh nghiệp “chết” mà không được chôn, tình trạng doanh nghiệp chật vật xin được chết...; đồng thời, sẽ góp phần làm “sạch” dữ liệu về doanh nghiệp.

Nhằm khắc phục những vướng mắc nêu trên, quy trình giải thể doanh nghiệp quy định đã được thiết kế theo hướng “tự động”. Theo đó, thời hạn tối đa để cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện thủ tục xóa tên doanh nghiệp là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ được tự động giải thể sau 180 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được quyết định giải thể của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các cơ quan, đặc biệt là cơ quan thuế sẽ phải khẩn trương thực hiện thủ tục quyết toán thuế cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng bổ sung quy định về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án.

Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 2014 được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra những bước chuyển biến mạnh mẽ để nền kinh tế nước ta có thể bứt phá trong giai đoạn tới đây./.

______________________
Hãy tăng thu nhập của bạn cùng chúng tôi: Chương trình chiết khấu 20% - 25% trên tổng giá trị mỗi hợp đồng mà bạn giới thiệu cho Công ty Luật Á Đông .....

______________________

"Công ty Luật Á Đông: Dịch vụ công chứng chứng thực, Dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ kế toán, business registration certificate, thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh,  thủ tục chuyển nhượng đất đai, sở hữu trí tuệ, M&A, thủ tục giải quyết tranh chấp, hợp đồng, các thủ tục hành chínhDịch vụ hợp pháp hóa lãnh sự (consular legalization in Vietnam),  và các dịch vụ pháp lý khác...hotline: 0904253822 - 04.6681411 

 

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê