Thứ 2,, 12-02-2010 , 08:20:00 AM

Ngày 9/12/2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) và bị đơn là Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương - Indochina Airlines, do ông Hà Hùng Dũng, tức nhạc sĩ Hà Dũng, làm Tổng giám đốc. Theo lịch trình, Tòa án sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 13/12. Bên cạnh đó, ông Hà Hùng Dũng cũng vẫn bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm xuất cảnh cho đến khi thực hiện xong bản án có hiệu lực pháp luật.

Tại sao Tòa án lại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với nhạc sĩ Hà Dũng, và quyết định này căn cứ theo những quy định nào?

Dưới đây Luật sư Hoàng Ngọc Bính của Công ty Luật Á Đông sẽ phân tích khái quát vụ việc cũng như các cơ sở pháp lý mà Tòa án áp dụng để ra quyết đinh nêu trên.
Vụ việc bắt nguồn từ đơn khởi kiện của Ngân hàng Á Châu (ACB). Vào đầu tháng 3 năm 2011, sau nhiều lần có văn bản đòi nợ với khoản vay của Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương có giá trị 1.365.389 USD, và sau những lần thương lượng không thành công, Ngân hàng ACB đã nộp đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với yêu cầu Tòa án buộc Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương trả nợ cho ACB số tiền trên, đồng thời áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm xuất cảnh đối với Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương là ông Hà Hùng Dũng. Trong đơn khởi kiện, ACB cũng đề nghị Tòa án ra quyết định phát mãi tài sản thế chấp (căn nhà 80/10 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP Hồ Chí Minh) là tài sản thế chấp cho khoản vay để bị đơn thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Sau khi thụ lý vụ án, ngày 26 tháng 7 năm 2011, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, và đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ACB, buộc Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương phải trả cho ACB số tiền 1.365.389 USD (gồm cả gốc lẫn lãi). Bản án cũng nêu rõ, trong trường hợp Công ty Đông Dương không còn khả năng trả khoản nợ trên, ông Hà Hùng Dũng có nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương.
Bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM nêu rõ, ngày 16 tháng 10 năm 2008, Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương và Ngân hàng Á Châu ký kết hợp đồng cấp tín dụng bằng hình thức bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương với số tiền là 1.194.000 USD. Số tiền này là số tiền mà Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương phải thanh toán cho ngân hàng nước ngoài Komercni Banka A.Trên cơ sở hợp đồng cấp tín dụng này, ngày 12/1/2010, Ngân hàng Á Châu đã thanh toán cho ngân hàng nước ngoài Komercni Banka A trên,  đồng thời Ngân hàng Á Châu cũng đã ghi số nợ trên vào tài khoản nợ của Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương tại Ngân hàng Á Châu, thông báo cho Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương biết thời hạn trả nợ là ngày 12/4/2010, lãi suất áp dụng từ ngày 12/1/2010 đến ngày 12/4/2010 là 6,5%/tháng, từ sau ngày 12/4/2010 là 9,75%/tháng.
Để bảo đảm cho khoản vay này, Công ty cổ phần hàng không Đông Dương đã thế chấp căn nhà trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP.HCM. Bên cạnh đó, cá nhân ông Hà Hùng Dũng cũng có chứng thư bảo lãnh (được cơ quan công chứng xác nhận) trả nợ thay nếu công ty không trả được nợ.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây là việc thực hiện thế chấp ngôi nhà nói trên giữa Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương và Ngân hàng Á Châu đã không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, đó là, hợp đồng thế chấp phải được Văn phòng công chứng xác nhận và phải đăng ký tài sản bảo đảm. Mặt khác, chứng thư bảo lãnh của Tổng Giám đốc Hà Hũng Dũng cũng chứa đựng những yếu tố thiếu chắc chắn về mặt pháp lý để bảo đảm cho khoản vay trên.
Do vậy, trong phán quyết của mình, Tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu phát mại tài sản thế chấp của nguyên đơn, đồng thời duy trì quyết định cấm xuất cảnh đối với nhạc sỹ Hà Dũng với tư cách là người bảo lãnh cho khoản vay cho đến khi bản án được thi hành.
Về căn cứ pháp lý, trong trường hợp này, Tòa án đã căn cứ vào điều 99 của Bộ Luật Tố tụng dân sự để ra quyết định. Khoản 1 điều 99 của Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 162 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Toà án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án”. Như vậy, đề nghị của Ngân hàng ACB đã căn cứ điều khoản trên trong Bộ Luật Tố tụng dân sự. Đồng thời, Tòa án cũng áp dụng điều khoản trên để chấp nhận đề nghị của Ngân hàng ACB trong quá trình ra quyết định. Quy định này nhằm mục đích bảo đảm hiệu quả thực tế của quá trình xét xử, cũng như quá trình thi hành bản án có hiệu lực của Tòa án. Hay nói cách khác, nhằm bảo đảm một cách tối đa trên thực tế quyền lợi của các đương sự trong vụ án dân sự và tạo điều kiện thuận lợi cho các Cơ quan tố tụng trong quá trình thực hiện chức năng của mình.
 Mặt khác, vì việc đề nghị và chấp nhận áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thường hạn chế quyền hoặc áp đặt một số nghĩa vụ lên các chủ thể có liên quan trong khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, nên pháp luật cũng đưa ra các điều kiện cũng như đặt ra các chế tài cho các chủ thể yêu cầu áp dụng và chủ thể quyết định áp dụng. Nội dung này được quy đinh tại điều 101 Bộ Luật Tố tụng dân sự.
Điều 101 quy định: “1. Người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
2. Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Toà án phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Toà án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
b) Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu;
c) Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, cơ quan, tổ chức
”.
Trong vụ án này trên cơ sở yêu cầu của nguyên đơn là Ngân hàng ACB, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã căn cứ vào điều 102 của Bộ Luật tố tụng dân sự  để lựa chọn các biên pháp khẩn cấp tạm thời phù hợp với vụ việc và chủ thể cần áp dụng.  
Điều 102 Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời gồm:
 “1.Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.
3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.
4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
5. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.
6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.
7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác.
10. Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.
11. Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.
12. Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.
13. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định.”
Trong vụ việc của nhạc sĩ Hà Dũng, Tòa án đã áp dụng mục thứ 12 của điều luật là “cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định” để ra quyết định cấm xuất cảnh đối cới nhạc sĩ Hà Dũng, là người đã ký chứng thư bảo lãnh cho khoản vay của Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương. Mục đích của việc cấm nhạc sĩ Hà Dũng xuất cảnh là để nhằm ngăn nhạc sĩ này ra nước ngoài mà không trở lại Việt Nam nhằm tránh việc trả nợ thay cho Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương khi công ty này không có đủ khả năng thanh toán.
Tuy nhiên, xét về góc độ pháp lý, có thể thấy biện pháp bảo đảm bằng chứng thư bảo lãnh chỉ thể hiện một giải pháp tâm lý chứ chưa hẳn có hiệu quả bảo đảm về mặt thực tế. Và việc Ngân hàng ACB có thể sử dụng chứng thư bảo lãnh như một biện pháp bảo đảm có an toàn cho khoản tín dụng của mình không thì vẫn là một câu hỏi. Sự không chắc chắn này bắt nguồn từ tính chất pháp lý mơ hồ của chứng thư bảo lãnh. Chứng thư bảo lãnh được dựa trên các quy định về biện pháp bảo lãnh theo quy định tại điều 361 Bộ Luật dân sự năm 2005. Bản chất pháp lý của Chứng thư bảo lãnh là một cam kết của người lập cam kết thanh toán thanh cho bên có nghĩa vụ trong một giao dịch tín dụng. Tuy nhiên, việc cam kết trong chứng thư bảo lãnh luôn mang tính vô hạn, nhưng lại không đề cập đến một tài sản bảo đảm cụ thể nào cả. Do vậy, nhìn về hình thức chứng thư này bảo vệ người có quyền có phạm vi rất rộng, nhưng thực chất các biện pháp bảo đảm lại rất không chắc chắn, vì đối tượng tài sản đưa ra để bảo đảm không được xác định cụ thể, mà chỉ xác định là toàn bộ tài sản của bên ký chứng thư. Và hệ quả là, ngay cả trong quá trình tranh chấp, giải quyết tranh chấp, thậm chí cả giai đoạn thi hành án, người bảo lãnh vẫn có quyền chuyển nhượng các tài sản thuộc sở hữu của mình đang sở hữu cho chủ thể khác mà không bị ràng buộc, hoặc các chủ thể tham gia các giao dịch chuyển nhượng đó sẽ không bị ràng buộc trách nhiệm trong việc nhận chuyển nhượng. Đây chính là nguyên nhân căn bản dẫn đến việc chứng thư bảo lãnh không bảo đảm tính an toàn vốn có của một biện pháp bảo đảm trách nhiệm dân sự.

Luật sư Hoàng Ngọc Bính - Công ty Luật Á Đông

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê