Trước tiên phải tìm hiểu về quyền miễn trừ. Theo thông lệ chung Quyền miễn trừ là quyền không bị truy tố về các tội hình sự. Ở nhiều nước trên thế giới quyền miễn trừ của các vị dân biểu (Nghị sỹ, đại biểu của cơ quan quyền lực...) là quyền tuyệt đối. Điều đó có nghĩa là một vị dân biểu nếu đang đương nhiệm sẽ được miễn trừ truy tố hình sự một cách vô điều kiện.Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, các vị ĐBQH được hưởng một loại quyền miễn trừ khá hạn chế. Vì, với sự đồng ý của Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội thì việc truy tố các vị ĐBQH có hành vi cấu thành tội phạm vẫn có thể xảy ra. Điều 81 Hiến pháp 2013 quy định: “Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”. Đó là tất cả những gì về quyền miễn trừ mà một vị ĐBQH của Việt Nam được hưởng.
Khái niệm thứ hai liên quan đến các quyền đặc biệt của các vị dân biểu là Đặc quyền. Ở nhiều nước trên thế giới các vị dân biểu được hưởng một thứ đặc quyền của người đại diện cho nhân dân (quyền đại diện cho số đông). Về nội hàm, đặc quyền là quyền của các vị dân biểu không phải chịu trách nhiệm về hình sự và dân sự vì phát biểu (cũng như biểu quyết) của mình tại Quốc hội. Từ góc độ luật so sánh, đặc quyền là một chế định khá xa lạ với hệ thống pháp luật được xây dựng theo mô hình xô viết. Chính vì vậy, trong hệ thống pháp luật của nước ta trong lịch sử, ngoại trừ trong Hiến pháp năm 1946, đặc quyền của các vị dân biểu đã không được ghi nhận.
Một điều khá thú vị và ngạc nhiên là trong lịch sử lập hiến của Việt Nam thì chỉ có bản Hiến pháp năm 1946 có ghi nhận đặc quyền của các vị dân biểu. Tất cả các bản hiến pháp sau này: 1959, 1980, 1992 đều không quy định đặc quyền của các vị đại biểu. Điều này được các nhà nghiên cứu về Hiến pháp lý giải sở dĩ có hiện tượng đó là do Hiến pháp 1946 là hiến pháp của chính thể Dân chủ cộng hòa có nhiều nét tương đồng với chính thể Cộng hòa tổng thống (giống với Hiến pháp Mỹ). Còn các bản hiến pháp sau này đều theo mô hình chính thể cộng hòa Xô Viết . Hiến pháp 1946 quy định về đặc quyền của các vị dân biểu như sau: “Nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện” (Điều 40, Hiến pháp năm 1946).
Về nguyên tắc nếu Hiến pháp (pháp luật) không ghi nhận đặc quyền miễn trừ trách nhiệm dân sự cho các vị ĐBQH đồng nghĩa với việc các vị dân biểu phải chịu trách nhiệm về dân sự và hình sự về phát biểu của mình (cũng như việc biểu quyết của mình khi tham gia các hoạt động của Quốc hội và thực hiện các quyền của ĐBQH).
Gần đây nhất, để những tinh thần tiến bộ và dân chủ của nhân loại được áp dụng và hiến định trong quá trình lập hiến, đồng thời tạo cho các vị Đại biểu Quốc hội có quyền chủ động và chính kiến trong hoạt động, khi thực hiện công cuộc sửa đổi Hiến pháp 1992, một số chuyên gia đã đề nghị cần phải hiến định đặc quyền của các vị dân biểu. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được tiếp nhận và đặc quyền của các vị dân biểu đã không được hiến định. Nay, Quốc hội đang xem xét dự Luật Tổ chức Quốc hội, hy vọng đặc quyền của các vị dân biểu có thể được luật định trong dự luật nói trên.
Theo các chuyên gia nghiên cứu ngành luật hiến pháp, việc luật định đặc quyền của các ĐBQH không chỉ là chuyện thêm quyền cho các vị dân biểu. Mà, xét ở góc độ thể chế, đặc quyền là điều kiện hết sức quan trọng để vận hành thể chế một cách có hiệu quả và chủ động. Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của một quốc gia sẽ rất khó vận hành trong một nền kinh tế thị trường (với bản chất là có nhiều sự đối lập về mặt lợi ích) nếu các vị dân biểu không có được đặc quyền (đương nhiên khi đó những đòi hỏi đối với các tiêu chuẩn của các vị dân biểu, trách nhiệm và bản lĩnh chính trị cũng được đặt ra rất cao).
Như vậy, có thể khẳng định rằng, với việc không được hưởng đặc quyền là quyền miễn trừ về trách nhiệm dân sự và trách nhiệm công vụ của một vị dân biểu, thì các vị ĐBQH đều có khả năng phải đối mặt với các cáo buộc dân sự và một vụ kiện dân sự như một công dân bình thường nếu những phát ngôn, hành động của các vị có thể bị cho là đã vi phạm quyền của các công dân và tổ chức khác.