Thứ 2,, 12-07-2010 , 07:43:00 AM

Như vậy là vụ kiện dân sự đầu tiên có số lượng nguyên đơn lớn nhất trong lịch sử đối với một bị đơn đã được khởi động tại Việt Nam, bằng việc Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thụ lý đơn kiện của các nguyên đơn yêu cầu Công ty Vedan Việt Nam bồi thường hại do có hành vi gây ô nhiễm mội trường dòng sông Thị Vải.

Cùng một tác giả:

Lịch sử ngành tư pháp Việt Nam nói chung và lịch sử Tòa án, đặc biệt là Tòa dân sự của Việt Nam nói riêng sắp sửa ghi nhận và chứng kiến một vụ án dân sự có những kỷ lục mới về số nguyên đơn, về tính phức tạp của hồ sơ, về thời gian giải quyết, sự tham gia, quan tâm và ủng hộ của các quan chức nhà nước….
Bỏ qua những vấn đề “mềm” của vụ kiện, như tính chính nghĩa, đạo lý, ý nghĩa xã hội, giá trị giáo dục và cảnh báo …của một vụ án dân sự, luật sư Hoàng Ngọc Bính của công ty Luật Á Đông tập trung phân tích khía cạnh pháp lý như cơ sở khởi kiện, các căn cứ pháp lý, những khó khăn về chuyên môn, và những rủi ro pháp lý…….liên quan đến vụ án. 

Cơ sở khởi kiện

Đây là một vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự.
 
Điều 604 Bộ Luật dân sự quy định về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:  “1.Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
 
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó»
 
Bên cạnh đó điều 7 của Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định: “ Tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.
 
Như vậy, các quy định pháp luật để các tổ chức, cá nhân là nạn nhân gánh chịu những hậu quả do hoạt động gây ô nhiễm môi trường của Vedan gây ra khởi kiện đã rõ ràng. Bên cạnh đó, với những chứng cứ do các cơ quan bảo vệ môi trường đã thu thập về hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường gây ô nhiễm, cùng với việc thừa nhận các hành vi gây ô nhiễm môi trường của công ty Vedan đã tạo ra toàn bộ nội dung cơ sở pháp lý cho việc khởi kiện Vedan theo các nguyên tắc :
1.    Có hành vi vi phạm pháp luật.
2.    Gây thiệt hại thực tế.
3.    Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế.
Tuy nhiên, trong ba yếu tố tạo nên cơ sở pháp lý để khởi kiện một vụ án dân sự yêu cầu áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp công ty Vedan, nội dung thứ hai “ gây thiệt hại thực tế” vẫn đang là một trong những nội dung mà cả hai bên viện dẫn để bảo vệ quan điểm của mình trong giai đoạn thương lượng tiền tố tụng. Đồng thời đây cũng sẽ là điểm mấu chốt trong các luận cứ mà hai bên đưa ra trong quá trình tố tụng, cũng như căn cứ quan trọng mà Tòa án căn cứ để ra quyết định chấp nhận yêu cầu của một trong hai bên. 

Những khó khăn cho các nguyên đơn

Khó khăn lớn nhất mà các nguyên đơn phải đối mặt là nghĩa vụ chứng minh, cụ thể ở đây là chứng minh thiệt hại. Điều này được thể hiện trên thực tế là đã gần hai năm ( tức là gần hết thời hiệu khởi kiện dân sự của vụ án) mà các nguyên đơn vẫn chưa hoàn thiện được hồ sơ khởi kiện của mình, thậm chí một số người đại diện cho các cơ quan có thẩm quyền có nghĩa vụ giúp đỡ, hỗ trợ người dân trong các vấn đề kỹ thuật và pháp lý khi trả lời báo chí vẫn thể hiện sự không tin tưởng vào việc khởi kiện Vedan sẽ thành công do việc chứng minh những thiệt hại mà người dân đã gánh chịu là rất khó khăn.
Điều này không phải là không có cơ sở bởi các lý do sau :
Thứ nhất, đây là vụ kiện mà đa số các nguyên đơn là những người dân có trình độ dân trí thấp trong việc nhận thức các vấn đề pháp lý và kỹ thuật liên quan đến vụ việc, trong khi đó tính chất của vụ việc lại khá phức tạp trong các vấn đề kỹ thuật, khoa học trong việc chứng minh các luận cứ của mình. Ông Đỗ Bá Ngâm là một trong những nguyên đơn tại xã Phước Thái cho biết một thực tế là: “Nhiều người làm hồ sơ xong rồi, chỉ cần đến xã xác nhận nhưng còn lúng túng vì lúc này họ nhìn trên bản đồ tự thu thập không biết vị trí bị thiệt hại ở đâu!”.
Thứ hai, đây có thể nói là vụ kiện dân sự đầu tiên trong vấn đề môi trường mà trong đó phạm vi tác động của hành vi gây thiệt hại cũng như hậu quả gây ra rất rộng. Do vậy, những kinh nghiệm pháp lý và kỹ thuật để người dân vận dụng là không có, thậm chí đối với các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và pháp lý đây cũng là vấn đề còn khá mới mẻ. Theo ông Nguyễn Văn Ngẫu - chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành, mấu chốt là xác định đối tượng đánh bắt nuôi trồng thủy sản ở từng vùng ô nhiễm, số hộ thiệt hại và đưa ra mức giá yêu cầu cho từng loại hình đánh bắt để buộc Vedan phải bồi thường. Nhưng đến nay việc này vẫn chưa xong, khiến một số cơ quan chức năng và cả người dân lúng túng.
Việc cơ quan chức năng của ba tỉnh có liên quan không thống nhất được với nhau về thiệt hại yêu cầu bồi thường, phương pháp yêu cầu cũng là một bằng chứng cho thấy tính chất phức tạp trong việc xác định những tài liệu khởi kiện liên quan đến yếu tố kỹ thuật và chuyên môn mà các nguyên đơn phải chuẩn bị.
Thứ ba, trong lĩnh vực môi trường hiện nay việc thu thập cũng như lưu giữ các loại số liệu về môi trường, môi sinh, sự phát triển, suy giảm của các loại sinh vật tại một khu vực môi trường cụ thể chưa được thực hiện một cách thường xuyên, khoa học, cũng chưa được công nhận có giá trị pháp lý tin cậy để làm cơ sở việc giải quyết các tranh chấp, hoặc những vấn đề liên quan đến việc thiết lập các chính sách và định chế pháp lý liên quan. 

Những khó khăn đối với cơ quan tiến hành tố tụng

 
Một điều chắc chắn là sau vụ án này ( tất nhiên nếu vụ án không phải dừng lại ở giai đoạn hòa giải), các cơ quan tố tụng của Việt Nam sẽ có nhiều kinh nghiệm cũng như bài học bổ ích để giải quyết những vụ án có tính chất tương tự. Từ trước đến nay, những vụ án có nội dung tương tự chưa có tiền lệ. Do vậy, ngoài các quy định của Bộ Luật dân sự, Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật Bảo vệ môi trường quy định về việc bồi thường thiệt hại một cách chung chung, thì các hướng dẫn của Tòa án Nhân dân tối cao về các vấn đề nghiệp vụ trong những vụ án có liên quan đến môi trường hầu như rất thiếu vắng. Điều này ảnh hưởng không có lợi đến việc giải quyết vụ án này trên hai phương diện: việc áp dụng các quy định pháp luật của ngành luật chung (Bộ Luật dân sự) cho việc giải quyết vụ việc trong một lĩnh việc riêng (Luật Bảo vệ môi trường), và vận dụng các tài liệu, dữ liệu chuyên môn, cơ sở khoa học của các định chế liên quan về mặt chuyên môn để đưa ra quyết định trong quá trình xét xử ( ở đây, là các luận cứ, tài liệu của các cơ quan chuyên môn về môi trường như Viện môi trường – Tài nguyên của Bộ khoa học công nghệ ). Đây thực chất là việc cụ thể hóa và áp dụng các quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự về Người giám định và Cơ quan giám định.
Mặt khác, việc số lượng nguyên đơn lớn trong một vụ án phức tạp cũng gây khó khăn không nhỏ cho Tòa án trong việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là thủ tục hòa giải, quản trị hoạt động xét xử. Rất có thể Tòa án sẽ phải vận dụng các quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự để thực hiện các kỹ thuật nghiệp vụ trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, như việc tách nhập vụ án, ủy quyền trong hoạt động xét xử…
Một thách thức lớn nữa cũng đặt ra cho Tòa án, mà cụ thể là các thẩm phán có trách nhiệm giải quyết vụ án là phải đảm bảo sự hài hòa trong hoạt động xét xử của mình giữa quyết tâm chính trị, sức ép do dư luận và các phẩm chất, kỹ năng chuyên môn để áp dụng đúng pháp luật, đúng thực tế trong một tình trạng thiếu nhiều các yếu tố chuyên môn hỗ trợ như đã phân tích ở trên. Trước sự quyết tâm của các công chức hành chính (điển hình là những phát biểu đầy nhiệt huyết Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường), chắc chắn các thẩm phán ít nhiều bị tác động. Tuy nhiên, nguyên tắc nền tảng và cơ bản nhất trong hoạt động xét xử của các thẩm phán là “ Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Do vậy, chỉ có bản lĩnh nghề nghiệp và kinh nghiệm chuyên môn dày dạn mới có thể giúp cho các thẩm phán hoàn thành trọng trách của mình một cách công tâm nhất. 

Các rủi ro pháp lý

Cũng như các vụ kiện dân sự khác, trong quá trình tố tụng các nguyên đơn có thể phải đối diện với các rủi ro pháp lý khi quyết định khởi kiện vụ án này.
Rủi ro pháp lý đầu tiên phải kể đến là các yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Như đã nói ở trên, mặc dù có sự ủng hộ rất lớn của dư luận, các quan chức đầu ngành, nhưng về nguyên tắc yêu cầu của các nguyên đơn vẫn có thể bị bác bởi Tòa án, bởi Tòa án xét xử và ra quyết định trên cơ sở chứng cứ mà các nguyên đơn đưa ra, các chứng cứ này về nguyên tắc phải là các chứng cứ trực tiếp. Nhưng với những thông tin mà chúng ta biết được, những thiệt hại của các nguyên đơn lại mang tính chất của những chứng cứ gián tiếp. Mặt khác, từ góc độ hành vi vi phạm, không thể chứng minh được việc ô nhiễm chỉ do Vedan gây ra hay còn do các chủ thể khác, bởi dọc dòng sông Thị Vải có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động với một thời gian đã rất dài và Bộ Luật dân sự không quy định nguyên tắc quy nạp về hành vi. Do vậy, nghĩa vụ chứng minh cho các thiệt hại của các nguyên đơn và hành vi vi phạm của bị đơn là công viêc rất nặng nề. Và như vậy khả năng bị Tòa án bác yêu cầu không phải là không có.
Một rủi ro khác là việc Tòa án chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của các nguyên đơn. Trong trường hợp đó các nguyên đơn phải chịu án phí cho phần yêu cầu không được chấp nhận. Như vậy mức độ thiệt hại về mặt kinh tế của các nguyên đơn sẽ phụ thuộc rất lớn vào tương quan giữa mức yêu cầu đưa ra và mức độ được chấp nhận. Những luận cứ khoa học mà Viện môi trường – Tài nguyên đưa ra vẫn còn có nhiều tranh cãi về mặt chuyên môn, chưa đủ sức thuyết phục cho các bên, và như vậy có thể nói mức độ chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn tới đâu sẽ vẫn còn là một ẩn số.
Một rủi ro pháp lý khác nữa là nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn bằng một bản án, nhưng việc thi hành án có được thực hiện nghiêm chỉnh hay không cũng là một câu hỏi. Bởi với những thông tin hiện có chúng ta chưa biết được khả năng tài chính, cũng như tài sản của Vedan hiện nay ra sao. Chính vì vậy, trong trường hợp các khoản nợ của Vedan tính đến thời điểm hiện nay nếu không lành mạnh và tài sản của Vedan không đủ để thanh toán, thì về nguyên tắc, các khoản bồi thường cho Vedan dù được Tòa án chấp nhận cũng sẽ không thực hiện được một cách tối ưu trên thực tế.
Với những phân tích về các yếu tố pháp lý trên, có thể dự đoán được rằng trong quá trình giải quyết Vụ kiện Vedan, rất nhiều vấn đề pháp lý sẽ phát sinh sẽ được giới chuyên môn mổ xẻ trên những phương diện khác nhau, từ đó sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau về kết quả xét xử, và không loại trừ khả năng vụ án sẽ được xét xử nhiều lần.
Với tính chất là một vụ án gây nhiều bức xúc cho dư luận đứng từ góc độ bị đơn, như một tác giả đã viết thì Vụ Vedan, dường như đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một vụ kiện dân sự bình thường. Đằng sau đó là uy tín của Nhà nước, của hệ thống pháp luật và hệ thống tư pháp nước nhà.
Do vậy, dù vụ án Vedan sẽ là một cuộc chiến pháp lý theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng thì chúng ta cũng hy vọng vụ án sẽ được giải quyết có tình, có lý để từ đó các bên liên quan tâm phục, khẩu phục đồng thời qua đó củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp của Việt Nam và cao hơn là niềm tin vào công lý.

Luật sư Hoàng Ngọc Bính - Công ty Luật Á Đông

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê