Các doanh nghiệp có nên kiện Bộ tài chính?
Thứ 3, 20-05-2014 , 02:03:00 PM
Hàng ngàn doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2014 đang dở khóc dở mếu vì bị cơ quan thuế buộc phải thu hồi các hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) đã phát hành từ tháng 3 trở về trước để hủy, đồng thời phải sử dụng hóa đơn bán hàng mua từ cơ quan thuế.
Thiệt hại tiền tỉ
Chỉ đống thiết bị y tế đang chất đầy nhà, chị Nguyễn Thị Ngà, giám đốc Công ty TNHH thiết bị vật tư y tế Hoa Năng (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết lô hàng được nhập về sau tết với tổng giá trị khoảng 1,2 tỉ đồng, nhưng mới bán được gần 200 triệu đồng tiền hàng thì cơ quan thuế ra quyết định thu hồi hóa đơn. “Tôi chẳng biết tính thế nào. Hàng đã bán ra rồi, nếu đòi lại hóa đơn thì bên mua không trả, hàng còn tồn thì không bán được vì bên mua đòi phải xuất hóa đơn GTGT” – chị Ngà nói. Chị Ngà cho biết đã lên Chi cục Thuế để hỏi nhưng nơi này nói chỉ thừa hành lệnh của cấp trên.
Tương tự, chị Nguyễn Thái Chân, phó giám đốc Công ty TM dịch vụ XNK quốc tế Minh Thành (quận 10) chuyên kinh doanh nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, cho biết doanh nghiệp hiện giờ gần như ngưng hoạt động vì cứ bán hàng ra là lỗ. “Kết sổ một tháng qua doanh nghiệp lỗ hơn 100 triệu đồng vì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, chưa kể theo yêu cầu của cơ quan thuế công ty phải thu hồi bốn hóa đơn GTGT đã xuất trước đây và hoàn trả tiền thuế cho bên mua, chịu lỗ thêm hơn 40 triệu đồng” – chị Chân kể.
Chị T., đại diện một doanh nghiệp tại quận Bình Thạnh mua hàng của Công ty Minh Thành, cho biết cũng bị vạ lây từ quy định mới của cơ quan thuế. Theo đó, những hóa đơn đã nhận của Minh Thành nay không được kê khai thuế mà phải trả lại bên bán dẫn đến phát sinh nhiều thủ tục rắc rối. “Hậu quả là những doanh nghiệp mới thành lập sẽ chịu thiệt hại do vừa bị lỗ, vừa bị đối tác ngại mua hàng” – chị T. cho biết.
Tiến thoái lưỡng nan
Việc thu hồi hóa đơn trên xuất phát từ quy định tại thông tư 219 của Bộ Tài chính. Theo đó, các doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2014 phải có tài sản cố định từ 1 tỉ đồng trở lên (trừ ôtô dưới chín chỗ) mới được kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Những doanh nghiệp mới thành lập không đủ điều kiện buộc phải kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp. Điều khiến doanh nghiệp bức xúc là thông tư đến tay doanh nghiệp quá chậm, trong khi cơ quan thuế lại hồi tố cho khoảng thời gian trước đó.
Cụ thể, thông tư 219 ban hành ngày 31-12-2013, có hiệu lực từ 1-1-2014 nhưng đến ngày 17-2-2014 mới công bố trên trang web của Tổng cục Thuế và đầu tháng 3 các doanh nghiệp mới được thông báo. Chị Trần Thị Thu Thảo, kế toán một doanh nghiệp tại Q.Gò Vấp, cho rằng điều bức xúc là từ đầu năm đến thời điểm thông tư được công bố, Cục Thuế lại có công văn hướng dẫn các doanh nghiệp mới thành lập nộp mẫu đăng ký thuế GTGT và công văn cam kết mua tài sản cố định để được kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nhưng không nói rõ tài sản cố định phải từ 1 tỉ đồng trở lên và thời hạn có tài sản cố định là khi nào.
Theo chị Thảo, doanh nghiệp đã in và sử dụng hóa đơn rồi, mua hàng cũng đã kê khai thuế, nếu buộc doanh nghiệp phải thu hồi các hóa đơn GTGT là yêu cầu quá khó vì hàng giao rồi, tiền đã thanh toán, hóa đơn đã giao khách hàng, khách hàng đã kê khai thuế thì làm sao thu hồi? Chưa hết, doanh nghiệp mua hàng cũng đã bán hàng rồi, giá vốn đã được kê khai, giờ trả lại cho doanh nghiệp thì hóa đơn đâu để họ tính giá vốn nên các doanh nghiệp mua hàng không đồng ý trả lại hóa đơn. “Tôi đã liên hệ với cơ quan thuế nhưng được trả lời là chỉ thừa lệnh từ cấp trên. Tôi rất bế tắc” – chị Thảo nói.
Cơ quan thuế địa phương cũng khổ!
Ông Trần Văn Đức, chi cục trưởng Chi cục Thuế Bình Thạnh, cho biết trong tuần này, cơ quan này phải mời 386 doanh nghiệp mới thành lập từ đầu năm 2014 lên để điều chỉnh phương pháp tính thuế GTGT. Tình hình sẽ rất căng thẳng vì ngay từ đầu tháng 3 sau khi cơ quan thuế phổ biến quy định này, nhiều doanh nghiệp đã phản ứng rất mạnh, thậm chí tranh cãi quyết liệt vì thông tư được phổ biến quá chậm. “Nhiều ngành nghề, đặc biệt lĩnh vực thương mại, dịch vụ, văn phòng luật sư… do đặc thù tài sản cố định rất ít, nay yêu cầu tài sản cố định đến 1 tỉ đồng thì doanh nghiệp rất khó đáp ứng, đặc biệt những địa bàn phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa như tại Bình Thạnh” – ông Đức nói.
Lãnh đạo Chi cục Thuế quận 5 cũng thừa nhận việc thu hồi các hóa đơn đã phát hành rất phức tạp, đặc biệt với những hóa đơn đã xuất cho các cá nhân vì nhiều người tiêu dùng không có thói quen lưu giữ hóa đơn. “Trước mắt cơ quan thuế đang rà soát toàn bộ những doanh nghiệp phát sinh từ ngày 1-1 và yêu cầu doanh nghiệp mang hóa đơn lên để xem số lượng hóa đơn đã xuất thế nào. Tuy nhiên, tinh thần chung là vận động, giải thích cho doanh nghiệp vì xảy ra việc này có nguyên nhân từ cơ chế chính sách ban hành chậm chứ không phải do doanh nghiệp làm sai” – vị lãnh đạo này nói.
Cũng theo các chi cục thuế, việc quản lý chặt các doanh nghiệp để tránh việc thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán hóa đơn là đúng, nhưng cũng cần bước quá độ thay vì đột ngột sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây bức xúc cho doanh nghiệp. Trước bức xúc của doanh nghiệp, trong cuộc họp với Cục Thuế mới đây, nhiều chi cục thuế đã xin hướng dẫn cách xử lý với trường hợp doanh nghiệp không thể thu hồi được hóa đơn đã xuất trước đây. Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ báo cáo lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính.
Hiện có hai phương pháp tính thuế GTGT là trực tiếp và khấu trừ. Phương pháp khấu trừ thường có lợi hơn cho doanh nghiệp vì được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, trong khi với phương pháp trực tiếp doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào, đồng thời phải nộp thuế GTGT theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu. Phương pháp tính thuế GTGT theo kiểu trực tiếp chỉ có lợi khi doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào hầu như không có hoặc rất nhỏ so với thuế GTGT đầu ra.
Điều đáng nói ở đây là các quy định tưởng như chặt trẽ này lại đang gây ra những hệ lụy khác cho hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, như hiện tượng chạy in hóa đơn, mua bán tài sản cố định lòng vòng, lập doanh nghiệp ảo để chuyển nhượng. Mặt khác, về mặt pháp lý quy định này của Bộ tài chính đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, được quy định tại điều 5 của Luật doanh nghiệp . Khoản 1 điều 5 Luật doanh nghiệp 2005 quy định: "Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật này; bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh". Như vậy, với việc phân biệt các loại hóa đơn khác nhau đồng thời các doanh nghiệp không có quyền ngang nhau trong việc sử dụng những loại hóa đơn đó, các quy định của thông tư 219 đang vừa gây khó khăn và bất lợi nhiều mặt cho hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời vi phạm nguyên tắc pháp chế của hệ thống pháp luật Việt Nam (nguyên tắc bình đẳng về quyền kinh doanh của các doanh nghiệp do một văn bản luật ban hành). Vậy, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp có nên kiện Bộ tài chính vì đã ban hành thông tư 219 trái với Luật doanh nghiệp và nguyên tắc pháp chế hay không?
Luật sư Hoàng Ngọc Bính - Công ty Luật Á Đông
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê