Chủ nhật,, 02-12-2012 , 02:23:00 PM

Gần 1 năm bị  “ngâm” vụ án vẫn không thể đưa ra xét xử

Ngày 5/1/2012, Viện kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm hoàn tất bản cáo trạng truy tố ông Đỗ Tòng Tuy, trú tại tập thể 2F Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về tội “trốn thuế”.

Tuy nhiên, cho đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử. Nguyên nhân cơ bản của việc chậm giải quyết vụ án này bắt nguồn từ sự bất đồng quan điểm giữa Toà án và Viện Kiểm sát về đường lối xử lý vụ việc. Việc mâu thuẫn giữa hai cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý vụ án, một mặt đưa ông Tuy vào tình trạng bị kéo dài thời gian chịu đựng pháp lý bất lợi là bị can của một vụ án. Mặt khác, có thể gây ra sự oan sai cho một công dân khi đưa ra xét xử khi việc nhận định các tình tiết của vụ án không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Dưới đây, luật sư Hoàng Ngọc Bính của công ty Luật Á Đông đưa ra các thông tin và phân tích một số yếu tố pháp lý của vụ án.
 Từ năm 1997 đến năm 2007, gia đình ông Đỗ Tòng Tuy cho ông Đào Mạnh Hùng thuê căn hộ tại phòng số 1 khu tập thể 2F Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để ông Hùng sử dụng vào mục đích kinh doanh đồ điện tử. Số tiền cho thuê hàng tháng là 6 – 8 triệu đồng.

Năm 2007, giữa gia đình ông Tuy và bên thuê nhà là ông Đào Mạnh Hùng phát sinh tranh chấp hợp đồng thuê nhà. Ông Tuy gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền nhờ can thiệp chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà với ông Hùng. Ngược lại, ông Hùng có đơn “tố” ông Tuy không kê khai nộp thuế cho thuê nhà với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngày 23/11/2009, Công an quận Hoàn Kiếm có công văn đề nghị Chi Cục thuế quận Hoàn Kiếm truy thu và xử phạt tiền thuế đối với hoạt động cho thuê nhà của ông Tuy.

Sau đó, do ông Tuy không thực hiện quyết định của Cơ quan thuế, nên Cơ quan điều tra Công an quận Hoàn Kiếm đã trưng cầu giám định để xác định số thuế mà ông Tuy đã “trốn”. Theo Bản Kết luận giám định ngày 1/6/2011 của Cục Thuế TP Hà Nội, số thuế mà ông Tuy “không kê khai” và nộp từ năm 1999 đến 2009 là hơn 243 triệu đồng. Căn cứ kết quả giám định này, ngày 24/10/2011, Cơ quan điều tra Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố ông Tuy về tội “trốn thuế”.

Ngày 5/1/2012, trên cơ sở kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát Nhân dân quận Hoàn Kiếm truy tố ông Đỗ Tòng Tuy về tội trốn thuế với số tiền được cho là hơn 243 triệu đồng tiền thuế gồm thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài và thuế giá trị gia tăng. Đây là số tiền thuế cho thuê nhà mà cơ quan thuế và cơ quan điều tra tính gộp số tiền cho thuê của gia đình ông Tuy trong suốt 10 năm.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Tuy đã làm đơn khiếu nại kêu oan, cho rằng Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân đã nhầm lẫn khi quy kết ông trốn thuế thuê nhà. Vì đây không phải là nhà của riêng ông mà là tài sản của các thành viên khác trong gia đình. Vì thế, việc quy buộc ông phạm tội trốn thuế là không đúng pháp luật. Ngày 10/2/2012, VKSND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản  trả lời khiếu nại và  khẳng định việc khởi tố, truy tố đối với ông là đúng vì căn cứ vào kết luận giám định là đủ căn cứ buộc tội.
Vì vậy, ngày 29/2/2012, Tòa án đã ra quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung thay vì đưa ra xét xử vụ án mà trước đó ít ngày.

Tuy nhiên, cho đến nay, Hồ sơ vụ án vẫn chưa được củng cố, bổ sung để đưa ra xét xử nhưng cũng chưa có các quyết định pháp lý khác để xử lý. Điều này dẫn tới tình trạng đã gần một năm ông Đỗ Tòng Tuy mang danh phận pháp lý là “bị cáo”. Tình trạng này không biết sẽ kéo dài trong bao lâu.

Nhận định sai pháp luật về các tình tiết của vụ án?

Vụ việc này có dấu hiệu oan khi các cơ quan tố tụng ra quyết định khởi tố và quyết định truy tố. Nguyên nhân sai cơ bản là các cơ quan tố  tụng đã quá chủ quan và chỉ căn cứ vào kết luận giám định mà không điều tra, làm rõ các nội dung liên quan đến đối tượng phải nộp thuế, đặc biệt là không làm rõ các thuật ngữ pháp lý về đối tượng nộp thuế trong các văn bản pháp luật về thuế. Hơn nữa, kết luận giám định đã không kết luận đầy đủ về các tình tiết cụ thể sự việc do Cơ quan điều tra đã không trưng cầu nội dung rất quan trọng là “người phải nộp thuế”.  Vì trong trường hợp này “người phải nộp thuế” không chỉ là cá nhân ông Tuy mà là toàn bộ gia đình ông Tuy vì đây là tài sản chung của gia đình ông.

Gia đình ông Đỗ Tòng Tuy có 6 người, do vậy nếu có việc trốn thuế của gia đình ông Tuy với số tiền, căn cứ theo kết luận giám định là 243 triệu đồng, thì mỗi người chỉ trốn thuế khoảng 40 triệu đồng. Trong khi đó, khoản 1 điều 161 Bộ luật hình sự quy định về cấu thành cơ bản của Tội trốn thuế như sau:

“Người nào trốn thuế với số tiền từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng  hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232,233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.”

Như vậy, theo hồ sơ vụ án như đã phân tích ở trên thì các hành vi vi phạm pháp luật thuế của những người trong gia đình ông Tuy (nếu đúng với cáo buộc của cơ quan thuế và Cơ quan điều tra) thì cũng chưa đủ yếu tố cấu thành cơ bản của Tội trốn thuế. Do vậy, việc khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra và truy tố ông Đỗ Tòng Tuy như bị can của vụ án trên là sai pháp luật.

Mặt khác, việc không kê khai nộp thuế kéo dài trong vòng 12 năm. Trong khoảng thời gin này, pháp luật về thuế cũng như các chính sách của nhà nước về thuế đã có nhiều sự thay đổi. Trong đó có việc thay đổi về các loại thuế, mức chịu thuế, cách thức tính thuế. Cơ quan điều tra chỉ giản đơn tính gộp số tiền không kê khai nộp thuế trong 12 năm để quy trách nhiệm cho một cá nhân liên quan là chưa chính xác. Ngoài ra còn phải xem xét đến yếu tố thời hiệu xử lý đối với từng hành vi của từng cá nhân. Với khoảng thời gian 12 năm rất có thể đã có hành vi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quan trọng hơn cả để xử lý đúng vụ việc là các cơ quan có trách nhiệm (trong đó có cả cơ quan thuế) cần làm rõ thu nhập của từng cá nhân trong việc cho thuê nhà để xem xét trách nhiệm kê khai nộp thuế chứ không thể quy kết riêng cho ông Tuy vì đó không phải là tài sản riêng của ông.

Đã hơn 10 tháng kể từ ngày Toà án trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung, đến nay vụ án vẫn có hướng xử lý tích cực hơn, và như vậy tình trạng pháp lý bất lợi của ông Đỗ Tòng Tuy vẫn có nguy cơ kéo dài. Tình trạng này khiến cho các quyền cơ bản và hợp pháp của công dân bị vi phạm, đòi hỏi các Cơ quan có trách nhiệm cần phải có hướng xử lý nhanh chóng, hợp tình hợp lý để giải quyết vụ án một các nhanh chóng và đúng pháp luật.

Luật sư Hoàng Ngọc Bính - Công ty Luật Á Đông

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê