Điều lệ công ty gồm những nội dung gì?
Chủ nhật,, 02-02-2012 , 02:36:00 PM
So với các văn bản quy định về doanh nghiệp trước đây (Luật công ty 1990, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1989, Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, Luật Doanh nghiệp 2000), Luật doanh nghiệp 2005 được coi là có nhiều quy định tiến bộ, phù hợp với lý luận hiện đại về doanh nghiệp, về sự bình đẳng của các chủ thể trong kinh doanh và lý luận về quyền tự do kinh doanh của công dân.
Sau khi ra đời Luật Doanh nghiệp 2005 (Luật) đã được giới kinh doanh và giới nghiên cứu chào đón một cách tích cực. Trên thực tế, nó cũng đã tạo ra những bước đột phá trong việc thực hiện các thủ tục khởi đầu hoạt động kinh doanh (còn được gọi là thủ tục gia nhập thị trường) của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nó cũng dần xác lập cách tư duy mới cho các nhà quản lý doanh nghiệp nói chung, và cho đội ngũ công chức quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự ra đời của các văn bản pháp luật khác điều chỉnh các phương diện khác nhau của doanh nghiệp (như Luật chứng khoán, Luật thương mại điện tử….), Luật Doanh nghiệp 2005 đã bắt đầu bộ lộ những bất cập trong cả các nguyên tắc cơ bản, cũng như các quy định cụ thể. Và hiển nhiên rằng, các bất cập đó có tác động tiêu cực ngay đến hoạt động của các doanh nghiệp, các đối tượng mà Luật điều chỉnh. Tính tiêu cực thể hiện ở việc, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn, không thuận lợi, thậm chí không giải quyết được tình huống cụ thể của doanh nghiệp khi thực hiện, áp dụng các quy định của Luật vào hoạt động của doanh nghiệp.
Trong bài viết này luật sư của Công ty Luật Á Đông sẽ phân tích một số quy định liên quan đến nội dung Điều lệ của doanh nghiệp để chứng minh cho những nhận định trên.
Tại điều 4 của Luật, quy định về thuật ngữ không có định nghĩa về Điều lệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều 22 của Luật quy định về các nội dung của Điều lệ doanh nghiệp. Cụ thể điều 22 quy định như sau:
Nội dung Điều lệ công ty
1. Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện.
2. Ngành, nghề kinh doanh.
3. Vốn điều lệ; cách thức tăng và giảm vốn điều lệ.
4. Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
5. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần của cổ đông sáng lập, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty cổ phần.
6. Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần.
7. Cơ cấu tổ chức quản lý.
8. Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
9. Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ.
10. Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên.
11. Những trường hợp thành viên có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần.
12. Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh.
13. Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty.
14. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
15. Họ, tên, chữ ký của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của người đại diện theo pháp luật, của chủ sở hữu công ty, của các thành viên hoặc người đại diện theo uỷ quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của người đại diện theo pháp luật, của các cổ đông sáng lập, người đại diện theo uỷ quyền của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
16. Các nội dung khác do thành viên, cổ đông thoả thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
Như vậy với quy định trên, Luật Doanh nghiệp đã đưa ra hai phương thức để xác định phạm vi nội dung của điều lệ công ty, đó là: những quy định mang tính bắt buộc được xác định từ mục 1 đến mục 15, và những quy định mang tính linh hoạt mà các cổ đông, thành viên, chủ sở hữu của công ty có thể thỏa thuận đưa thêm vào (mục 16).
Trong các nội dung mang tính bắt buộc được xác định từ mục 1 đến mục 15 của điều 22, có những nội dung, trên thực tế đã không thể hiện được tác dụng tích cực như một định hướng của nhà nước đối với doanh nghiệp, mà còn tạo ra những trở ngại cho việc áp dụng nó vào hoạt động của Doanh nghiệp cả từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Hay nói cách khác các nội dung này không phù hợp và không cần thiết khi đưa vào thành các nội dung bắt buộc trong điều lệ, mà có thể đưa vào mục quy định về các nội dung mà chủ doanh nghiệp có thể cân nhắc để đưa vào nội dung của điều lệ. Bởi nếu quy định thành những nội dung bắt buộc sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong những trường hợp nhất định khi phải áp dụng.
Chẳng hạn, tại mục 1, 2 quy định các nội dung “Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, ngành nghề kinh doanh ” là một nội dung bắt buộc nằm trong điều lệ doanh nghiệp. Khi đã được coi là các nội dung bắt buộc của điều lệ thì khi muốn thay đổi các nội dung này sẽ được coi là việc sửa đổi điều lệ. Trong khi đó, điều 96 của Luật quy định việc sửa đổi điều lệ thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần. Điểm đ, khoản 2 điều 96 của Luật quy định việc “sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty” thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Điều này có nghĩa là khi công ty thay đổi địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, ngành nghề của của mình phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông để thông qua.
Từ góc độ thực tế, tình huống trên đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa điều này không ảnh hưởng nhiều lắm. Nhưng đối với các doanh nghiệp lớn có hàng ngàn cổ đông, hoặc những công ty niêm yết, đây là một trở ngại lớn. Bởi lẽ, việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thay đổi ngành nghề kinh doanh là vấn đề nhỏ, doanh nghiệp luôn cần xử lý linh hoạt phục vụ hoạt động kinh doanh. Vì lý do linh hoạt, một công ty có thể thay đổi các nội dung trên nhiều lần trong một năm. Như vậy, nếu cứ thực hiện theo quy định trên thì doanh nghiệp phải triệu tập Đại hội đồng cổ đông rất nhiều lần trong một năm để quyết định về các vấn đề đó. Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp khi phải triệu tập Đại hội đồng cổ đông khi số lượng cổ đông lớn, khó triệu tập hay khó lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp gặp phải tình huống khó khăn khi thực hiện các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại cơ quan quản lý về Đăng ký kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp không nắm rõ các quy định của điều 96 nói trên, chỉ họp Hội đồng Quản trị để ra quyết định về những vấn đề trên. Khi nộp hồ sơ tại Cơ quan Đăng ký kinh doanh đã bị các cơ quan này từ chối không thực hiện thủ tục vì nội dung hồ sơ không hợp lệ. Doanh nghiệp bắt buộc phải triệu tập lại Đại hội đồng cổ đông để ra quyết định hoặc tìm cách nào đó để “lách luật” xử lý sự sai sót này. Điều này có thể gây nên hai hệ quả tiêu cực, một là doanh nghiệp sẽ mất thêm chi phí, thời gian triệu tập Đại hội đồng cổ đông để thông qua quyết định cho đúng luật. Điều này sẽ làm tăng chi phí cho danh nghiệp không cần thiết; hai là khi doanh nghiệp thực hiện các biện pháp “lách luật”, thậm chí là giải pháp tiêu cực rất dễ bị xử lý hành chính theo các quy định về xử lí vi phạm hành chính. Thậm chí trong nhiều trường hợp nếu xử ly không tốt, đây còn có thể trở thành cội nguồn cho các tranh chấp trong doanh nghiệp.
Từ những phân tích trên có thể thấy các nội dung của điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005 cần được sửa đổi theo hướng giảm thiểu những nội dung mang tính bắt buộc nội dung điều lệ công ty để chuyển sang các nội dung không bắt buộc. Từ đó doanh nghiệp có thể quy định một cách linh hoạt trao cho các cơ quan khác nhau (Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty) quyết định những vấn đề này với mục tiêu dễ dàng xử ly trong trường hợp khi quyết định các vấn đề cần phải nhanh chóng, tiện lợi.
Các nội dung sau nên đưa ra khỏi danh mục những nội dung bắt buộc trong điều lệ công ty:
1. Địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện.
2. Ngành, nghề kinh doanh.
3. Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
4. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần của cổ đông sáng lập, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty cổ phần.
5. Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Mục đích cao nhất của các quy định trong Luật Doanh nghiệp là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi áp dụng các quy định này vào thực tế đạt được hiệu quả, tránh tạo ra những trở ngại không cần thiết cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, cũng như thực hiện Luật. Như đã phân tích ở trên, đây là một trong những bất cập trong các quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 ở mức độ nhất định đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động cần được sửa đổi để đảm bảo mục đích điều chỉnh của Luật.
Luật sư Hoàng Ngọc Bính - Công ty Luật Á Đông
Giới thiệu
CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!
Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...
Hotline
Hotline:024.665.69.121 - |
Tiêu điểm
Thống kê