Thứ 3, 05-02-2013 , 02:44:00 PM

Vụ sát  hại đại gia Thái Nguyên – 2 can phạm đồng phạm trong tội danh nào?

Tiếp theo thông tin về vụ án “sát hại” đại gia Thái Nguyên, mà Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định  khởi tố vụ án và khởi tố bị can với hai tội danh "giết người", “cướp tài sản”, đến nay trong quá trình điều tra bị can.  Linh Thị Kiều đã khai với cơ quan này là một mình trực tiếp đoạt mạng ông Vũ Dương Bình bằng 11 nhát dao do hỏi vay tiền nhưng không được đáp ứng.

Như vậy vấn đề đặt ra ở đây là bị cáo Đỗ Văn Tùng có phạm tội giết người với vai trò đồng phạm không?
 Dưới đây, Luật sư của Công ty Luật Á Đông phân tích và bình luận về các quy định của pháp luật liên quan đến khái niệm và nội hàm của khái niệm đồng phạm, đồng thời đối chiếu với các tình tiết của vụ án này để xác định liệu hai bị cáo Linh Thị Kiều và Đỗ Văn Tùng có là đồng phạm trong cả hai tội danh bị cơ quan điều tra khởi tố hay không? Nói cách khác với lời khai của Linh Thị Kiều thì bị cáo Đỗ Văn Tùng có là đồng phạm trong tội “giết người” với vai trò là người giúp đỡ không?
Điều 20 của Bộ Luật hình sự quy định:   Đồng phạm  
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2.  Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
 Theo quy định trên của Luật thì đồng phạm phải là:  trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Như vậy, hai điều kiện cơ bản của đồng phạm phải là:
-    Có từ hai người trở lên;
-    Và cùng cố ý thực hiện một tội phạm.
Điều này cũng có nghĩa là tình trạng đồng phạm trong một tội phạm sẽ bị loại trừ khi:
-    Có một người thực hiện tội phạm.
-    Có nhiều người thực hiện một hành vi phạm tội nhưng ở những hình thức lỗi khác nhau (người thì có lỗi cố ý, người thì chỉ là lỗi vô ý).

Trong vụ án sát hại ông Vũ Dương Bình theo lời khai của các bị cáo thì lúc đầu hai bị cáo chỉ có ý định chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Hành vi sát hại vị đại gia này chỉ xảy ra khi bị can Linh Thị Kiều bị từ chối cho vay tiền, và hai bên có xung đột xảy ra.
Như vậy, xét về mặt ý thức chủ quan của bị can Đỗ Văn Tùng đối với các chết của ông Vũ Dương Bình lúc ban đầu là không cố ý. Hay nói cách khác bị can Đỗ Văn Tùng không có lỗi cố ý trực tiếp giết nạn nhân. Nếu chỉ dừng lại ở điểm này thì không thể khẳng định là bị cáo Đỗ Văn Tùng là đồng phạm của tội giết người trong vụ án này với vai trò là người giúp sức cho bị can Linh Thị Kiều.
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh thứ hai của lỗi cố ý gián tiếp trong tội giết người cho thấy bị can Đỗ Văn Tùng có khả năng bị buộc tội với lỗi này. Cụ thể là khi thấy bị can Linh Thị Kiều đâm ông Vũ Dương Bình nhiều nhát và máu me chảy ra nhiều (tức là một người bình thường có thể nhận thấy ông Bình có khả năng bị chết do mất máu và mất sức) nhưng bị can Đỗ Văn Tùng đã cùng Linh Thị Kiều bỏ trốn. Có nghĩa là trong ý thức chủ quan của bị can Đỗ Văn Tùng có tâm trạng bỏ mặc (không hành động để cứu) cho vị đại gia với tình trạng nguy kịch và điều này dẫn đến cái chết của ông này. Ý thức này được luật hình sự quy vào lỗi “cố ý gián tiếp” để dẫn đến cái chết của nạn nhân. Do vậy, xét ở khía cạnh lỗi cố ý gián tiếp thì bị can Đỗ Văn Tùng vẫn phạm tội giết người.
Tuy nhiên, ở đây phải xét đến yếu tố thực tế là bị can này có lỗi vô ý với hành vi (tức không có ý định gây ra cái chết của ông Vũ Dương Bình) nhưng lại “cố ý với hậu quả” (tức để mặc ông Bình trong tình trạng có khả năng dẫn đến cái chết và thực tế đã dẫn đến cái chết). Do đó, bị can Đỗ Văn Tùng phải được coi là thực hiện hành vi giết người một cách độc lập chứ không phải là đồng phạm với các vai trò khác cùng với bị can Linh Thị Kiều đối với tội phạm này.
Tất nhiên, kết luận ở đây chỉ dựa trên những thông tin có được từ vụ án giết đại gia này tính đến thời điểm hiện tại. Trong quá trình điều tra nếu phát sinh thêm tình tiết mới có giá trị trong việc định danh cũng như định lượng, và định tính hành vi phạm tội. Nhận định này của các Luật sư công ty Luật Á Đông có thể được thay đổi cho phù hợp với dữ kiện của vụ án đang được nhiều người quan tâm này.

Luật sư Hoàng Ngọc Bính - Công ty Luật Á Đông

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê