Thứ 5,, 12-04-2013 , 02:10:00 PM

Theo thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, ngày 11/4/2012, hơn 20 hộ nông dân là chủ nợ của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An, do bà Phạm Thị Diệu Hiền làm Tổng Giám đốc, cùng luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân, người được 20 hộ nông dân ủy quyền trong việc đòi nợ công ty này, đã đến TAND TP Cần Thơ để nộp đơn yêu cầu tiến hành mở thủ tục phá sản đối với Công ty. Tuy nhiên, nhân viên Tòa án đã từ chối nhận đơn với lý do “Vụ này UBND TP đang giải quyết nên không nhận đơn”. 

Vậy việc nộp đơn của các nông dân nói trên để yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An  có được pháp luật bảo vệ không? Và việc nhân viên Tòa án nhân dân TP Cần Thơ từ chối việc nhận đơn của các nông dân có được đúng luật hay không? Luật sư Hoàng Ngọc Bính của công ty Luật Á Đông, trong bài viết này sẽ viện dẫn và phân tích các quy định của Luật về phá sản để làm rõ hai câu hỏi trên.

Việc nộp đơn yêu cầu có đúng luật? 

Để xác định một doanh nghiệp có lâm vào tình trạng phá sản hay không để được áp dụng các thủ tục phá sản theo quy định, điều 3 của Luật Phá sản quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”.
Như vậy, điểm mấu chốt của việc xác định một doanh nghiệp có lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp đó không thanh toán được các khoản nợ đã đến hạn thanh toán khi được chủ nợ yêu cầu thanh toán. Như vậy đối với trường hợp của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An, việc công ty mua cá của các hộ nông dân chưa trả tiền cho họ, và đã quá thời hạn thanh toán rất lâu, nhưng công ty không thanh toán cho họ cũng không có động thái thương lượng, thỏa thuận giãn nợ, thì mặc định những nông dân đó (hay còn được gọi là các chủ nợ) có quyền nhận định rằng công ty không có khả năng thanh toán các khoản nợ và được coi là lâm vào tình trạng phá sản theo quy định tại điều này. Từ đó các chủ nợ có quyền thực hiện các quyền của mình trong thủ tục phá sản.
Điều 13 của Luật Phá sản quy định quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ như sau: “ Khi nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì các chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần đều có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.”
Với quy định trên về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thì có thể khẳng định các nông dân đang là chủ nợ của Công ty Bình An có quyền nộp đơn để yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An, và việc họ thực hiện quyền này tại Tòa án nhân dân TP Cần Thơ là hoàn toàn đúng pháp luật.
 

Tòa án có được từ chối nhận đơn? 


Tòa án là cơ quan tư pháp của một nước, có nghĩa vụ thực hiện các chức năng mà pháp luật quy định. Một trong các chức năng đó là chức năng đó là thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản. Thẩm quyền này được quy định tại điều 7 của Luật phá sản
Khoản 1 và 2 của điều này quy định như sau:
1. Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đó.
2. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đó.
Trong trường hợp cần thiết Toà án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để tiến hành thủ tục phá sản đối với hợp tác xã thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện.
Theo quy định trên, Tòa án có thẩm quyền thực hiện các thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp khi được yêu cầu. Thẩm quyền này đồng thời cũng là nghĩa vụ của Tòa án. Điều đó có nghĩa khi có yêu cầu mở thủ tục phá sản đúng quy định của pháp luật, Tòa án phải có nghĩa vụ thụ lý để giải quyết. Xét về trình tự thụ lý đơn, Tòa án chỉ được từ chối nhận đơn trong  trường hợp người nộp đơn chưa đóng phí. Nếu người nộp đơn đã đóng phí thì Tòa án phải nhận đơn. Bởi sau khi nhận đơn và nghiên cứu, tùy từng trường hợp mà Tòa án có thể trả lại đơn cho người nộp đơn theo các tình huống quy định tại điều 24 của Luật Phá sản. Điều 24 quy định:
“Toà án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong những trường hợp sau đây:
1. Người nộp đơn không nộp tiền tạm ứng phí phá sản trong thời hạn do Toà án ấn định;
2. Người nộp đơn không có quyền nộp đơn;
3. Có Toà án khác đã mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản;
4. Có căn cứ rõ ràng cho thấy việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do không khách quan gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc có sự gian dối trong việc yêu cầu mở thủ tục phá sản;
5. Doanh nghiệp, hợp tác xã chứng minh được mình không lâm vào tình trạng phá sản.”
Như vậy pháp luật đã dự liệu các tình huống để Tòa án có thẩm quyền, sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản,  nghiên cứu đơn và hồ sơ có thể trả lại đơn nếu thấy yêu cầu đó là không đúng pháp luật. Trong trường hợp của Công ty Cổ phần Thủy Sản Bình An, lý do mà Tòa án nhân dân TP Cần Thơ nại ra để không nhận đơn yêu cầu là “Vụ này UBND TP đang giải quyết nên không nhận đơn”, không được quy định như một tình huống để Tòa án trả lại đơn yêu cầu sau khi đã thụ lý. Điều 24 của Luật Phá sản quy định chỉ trong trường hợp đã có một Tòa án khác đã mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, thì Tòa án mới được trả lại đơn yêu cầu, còn việc giải quyết vụ việc của các cơ quan hành chính (như UBND) không phải là một cơ sở để Tòa án trả lại đơn yêu cầu và lại càng không phải là cơ sở hợp pháp để Tòa án từ chối thụ lý đơn.  
 
Với những quy định như đã viện dẫn ở trên, có thể khẳng định việc nhân viên Tòa án nhân dân TP Cần Thơ từ chối thụ lý đơn của những nông dân là chủ nợ của Công ty Bình An là trái các quy định của Luật Phá sản. Việc từ chối này của nhân viên Tòa án nhân dân TP Cần Thơ không những làm vô hiệu hóa các quy định đã rất rõ ràng của một văn bản luật đã được Quốc hội thông qua, mà còn ảnh tưởng tới quyền lợi của các chủ nợ là các nông dân, những người chỉ biết dựa vào pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Ở một khía cạnh khác, việc một tòa án có thẩm quyền là một cơ quan nhà nước nắm rõ các quy định của pháp luật nhất, nhưng lại viện dẫn những cơ sở không hợp pháp để từ chối thực hiện chức năng của cơ quan này đặt ra vấn đề đáng suy nghĩ hơn là việc hiệu lực thực thi của hệ thống pháp luật của nước ta cần phải có cơ chế để bảo đảm một cách hiệu quả nhất. Cơ chế đó chính là những chế tài nghiêm khắc dành cho các công chức Tòa án vi phạm các quy định của pháp luật, mà điều này thì đang rất thiếu trong các quy định pháp luật của nước ta.

Luật sư Hoàng Ngọc Bính - Công ty Luật Á Đông

Giới thiệu

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT Á ĐÔNG (ADONG LAWFIRM) xin kính chào Quý khách hàng!

Được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Á Đông (thành lập ngày 23 tháng 7 năm 2004), trải qua 20 năm hoạt động, các Luật sư chủ chốt của Công ty Luật Á Đông đã có một bề dày kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh những kinh nghiệm chuyên môn, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Á Đông luôn thấm nhuần cách nghĩ " Luật sư luôn là người bạn đồng hành mang lại sự yên tâm và an toàn cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh ". Do vậy, trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình, Công ty Luật Á Đông luôn được khách hàng đánh giá là một đơn vị tư vấn có đội ngũ nhân viên tận tâm...

Hotline

Hotline:

024.665.69.121 -

Thống kê